00:00 Số lượt truy cập: 3062660

Xuất khẩu cá da trơn thắng lớn 

Được đăng : 03/11/2016

6 tháng đầu năm 2007, sản lượng xuất khẩu cá da trơn (cá tra, basa) đông lạnh đạt 173, 1 nghìn tấn, kim ngạch 462, 4 triệu USD, tăng 32% về lượng và 38,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2006. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thành tích trên vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của cá da trơn Việt Nam.


Những con số kỷ lục

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK) của cá da trơn có thể gọi là kỳ diệu. Năm 1998, 80% tổng khối lượng XK cá da trơn của Việt Nam là vào thị trường Mỹ, với kim ngạch 20 triệu USD thì 6 tháng đầu năm 2007, mặt hàng cá da trơn đã vươn tới 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 6 thị trường so với cùng kỳ năm 2006. Cả nước đã có 209 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực XK cá da trơn. Dự báo, XK cá da trơn trong năm 2007 có thể đạt 385 nghìn tấn, kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 92 nghìn tấn và 300 triệu USD so với năm 2006.

Thị trường XK đứng đầu hiện nay là EU với 83, 6 nghìn tấn, kim ngạch 236, 23 triệu USD, chiếm 48,3% về lượng và 51,2% kim ngạch. Dù việc XK cá da trơn sang Nga gặp khó khăn do nước này xiết chặt quản lý dư lượng chất kháng sinh nhưng đây vẫn là thị trường lớn thứ hai với lượng XK 20, 52 nghìn tấn, kim ngạch 41, 36 triệu USD. Tiếp theo là ASEAN, Ucraina...

Phát triển nhanh nhưng phải bền vững

Để cá da trơn Việt Nam đạt kim ngạch XK 1 tỷ USD trong năm 2007, nhiều chuyên gia cho rằng, cần giải quyết ngay những vấn đề bất cập. Ông Dương Ngọc Minh, Giám đốc Công ty cổ phẩn Thủy sản Hùng Vương cho biết: “Hiện nay vẫn chưa có quy hoạch vùng nuôi cá tra, ba sa nên thường xuyên xảy ra tình trạng lúc thừa lúc thiếu, giá bán không ổn định. Phải gắn liền phát triển chế biến với chăn nuôi, không để xảy ra tình trạng bất cập về nguyên liệu với năng lực chế biến. Doanh nghiệp khi thành lập nhà máy chế biến phải xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có sản lượng lớn, chất lượng cao, gắn với tiêu chuẩn quốc tế. Đầu tư giống nuôi chất lượng cao, giám sát chất lượng nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm: “Cần xử phạt thật nặng đối với các cơ sở chế biến gây ô nhiễm môi trường; xây dựng, phổ biến và hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho sản xuất cá tra chất lượng cao. Xây dựng chuỗi sản xuất cá tra, ba sa gồm 5 khâu: trại giống, nhà máy thức ăn, trại nuôi, nhà cung ứng thuốc và nhà máy chế biến XK. Tránh tình trạng tự phát để dư lượng kháng sinh quá cao làm ảnh hưởng đến uy tín thủy sản Việt Nam”.

Được biết, Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương hiện có gần 200ha cá tra - basa nuôi theo quy trình khép kín từ khâu thức ăn - thú y - thu hoạch - vận chuyển - chế biến - XK, gắn bó chặt chẽ với người nuôi bằng hợp đồng cụ thể... Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang cho rằng: “Môi trường chăn nuôi đang rất khó kiểm soát, phải có quy định cụ thể về vùng nuôi, mật độ nuôi thả, thức ăn, thuốc thú y, xử lý nước thải…”.

Tuy nhiên, để XK cá da trơn xứng với tiềm năng, Nhà nước, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cần đồng hành cùng các DN, người nông dân giải quyết khó khăn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.