Mùa nước nổi ở vùng Tonlésap, đưa cá sang Campuchia là phiêu lưu?
“Hiện thời, bạn hàng không yêu cầu cá khác mà chỉ đòi cá rô mề. Không biết họ có làm giống hay không mà đòi mỗi ngày một xe tải, nhưng làm gì có chứ!?”, chị Bé Năm, tiếc rẻ nói. “Nguồn cá trên sông Bassac thực sự suy giảm khi vùng thượng nguồn hăng máu làm đập. Rồi đây, giống như đồng bằng sông Cửu Long, họ phải nuôi cá chứ không thể trông chờ vào tự nhiên”, Đặng Hữu Phước, tốt nghiệp
đại học Kinh tế TP.HCM, trở về nhà ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, tiếp việc kinh doanh cá đồng của gia đình, nói.
Công việc của anh là tìm đến các ao cá thương lượng mua mão, đánh giá trữ lượng rồi tổ chức thu hoạch, điều phối cho thương lái đường dài đưa hàng đi Campuchia và các tỉnh miền Đông. Chị Bé Năm là một trong những mối ruột của Phước đưa hàng đi Campuchia.
“Tôi sẽ trở về sau khi học cách vận chuyển, bảo quản cá tốt hơn. Lúc đó, nhu cầu nuôi cá ở Campuchia sẽ chín muồi”, Phước nói một cách quả quyết.
Campuchia là vựa cá, nhưng cá rô đầu vuông chắc thịt, mười con vô một ký là chuyện bất ngờ với dân thượng nguồn. Phước tìm đúng cái ngách thị trường nhờ “hàng độc” này. Nhiều người đã mua cá làm giống chứ không phải để ăn.
“Giống cá rô mề là phát hiện ngẫu nhiên của những người lái cá, họ đặt tên cá rô đầu vuông giống như dân Đồng Tháp đặt tên cá lóc môi trề, có ưu thế chịu đựng điều kiện nuôi mật độ cao. Nuôi bằng thức ăn công nghiệp đạt độ đồng đều 10 con/kg không có gì khó. Thậm chí có người nuôi con giống có thể đạt tới 4 – 5 con/kg. Đặc biệt, cá rô mề nuôi bằng thức ăn công nghiệp nhưng chắc thịt chứ không bủng”, ông Năm Hùng, thuộc lớp người “tiên phong” nuôi giống cá này nói. Cũng chính yếu tố này khiến lái từ ngoài Trung, miền Bắc cũng vào miền Tây mua con giống.
Giá cá bố mẹ hiện thời là 110.000 đ/kg. Thị trường hút hàng, Phước réo bạn cùng học về quê tiếp việc quản lý thu hoạch và điều phối cho mối lái, nhưng mỗi tháng cũng chỉ có thể giao sang bên kia cao lắm 300 tấn là cùng. Một vài tiểu thương ở chợ Cờ Đỏ cho biết: “Giá cá thịt tại xã cũng đã 60.000đ/kg rồi”.
Con cá rô cỏ, sa mưa, cá vừa “dậy thì” là bỏ ăn lo ôm trứng, sinh sản. Con cá rô mề đầu vuông là dòng háu ăn, ông Năm phát hiện ra đặc điểm này để vừa vỗ béo vừa điều khiển cho chúng đừng ôm trứng. Ao cá của ông Năm vốn là ruộng lúa được tách thành ba khu làm nơi ương – nuôi rộng khoảng 10.000m2, nuôi theo hai cách: đào ao sâu và vét một lớp đất nuôi cá trên ruộng để đối chiếu. Ông tự ương được một triệu rưỡi con giống.
Sông Mekong có khoảng 1.500 loài cá, nhưng chỉ có vài chục loại phát triển theo hướng thương mại. Hậu Giang, nơi phát hiện cá rô mề đầu vuông đang hình thành làng nuôi cá bố mẹ để nhân giống. Theo ông Năm Hùng, ít nhất trong năm năm tới vẫn chưa đủ nguồn cá giống. Nhưng điều lo ngại nhất là vì cuộc đua lợi nhuận người ta sẵn sàng cho cá rô mề lai cá rô cỏ tận dụng đặc điểm đẻ sai của chúng để bán con giống, nhưng cá sẽ không lớn như cá rô mề đầu vuông chính gốc.