00:00 Số lượt truy cập: 3051956

Xuất khẩu cá tra sẽ mang về 1,2 tỉ USD 

Được đăng : 03/11/2016

Theo các DN xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL, năm 2008 thị trường thế giới tiếp tục mở rộng cho cá tra VN do sản lượng cá rô phi Trung Quốc giảm 30% và chính sách hạn chế đánh bắt cá tuyết ở Đông Âu.


Năm 2007 thị trường chính của cá tra VN xếp theo thứ tự là: EU, Trung Mỹ, Trung Đông và Đông Âu thì năm 2008 thị trường Đông Âu dự báo sẽ "vươn" lên vị trí thứ hai sau EU.

Dự báo, năm 2008 kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 1,2 tỉ USD so với trên 1 tỉ USD của năm 2007.

Thêm thị trường, xây thêm nhà máy mới

Để nắm lấy cơ hội "vàng", các DN xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đang khẩn trương xây dựng thêm nhà máy chế biến và mở rộng vùng nuôi cá nguyên liệu. Ông Dương Ngọc Minh - tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (KCN Mỹ Tho, Tiền Giang), DN chiếm hơn 10% sản lượng cá tra philê xuất khẩu của cả nước năm 2007 - cho biết ngoài hai nhà máy công suất hơn 30.000 tấn thành phẩm/năm tại Tiền Giang, ngay sau tết công ty sẽ khánh thành hai nhà máy ở Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Với bảy xưởng chế biến công suất lên tới 1.000 tấn nguyên liệu/ngày đặt ở các vùng cá tra nguyên liệu ĐBSCL, công ty đề ra chỉ tiêu xuất khẩu 50.000 tấn cá tra philê trong năm 2008, đạt kim ngạch 120-130 triệu USD. "Mồng 6 tết, gần 5.000 công nhân của nhà máy tại Tiền Giang trở lại làm việc và chắc chắn cũng phải làm việc 30 ngày/tháng mới có đủ hàng xuất khẩu" - ông Minh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đạo - giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng tại KCN Mỹ Tho - cho biết gần 2.000 công nhân chỉ được nghỉ tết đúng bốn ngày và phải trở lại làm việc từ mồng 4 tết. Theo kế hoạch, năm nay công ty cũng tăng sản lượng cá tra xuất khẩu 20%, tức đạt 14.000 tấn so với 9.000 tấn năm 2007.

Xuất khẩu cá tra sẽ đạt 1,5 tỉ USD vào 2010

Dự báo tình hình xuất khẩu cá tra năm 2008 sẽ rất khả quan nên nhiều DN đã có kế hoạch tăng lương, tăng thưởng cho công nhân. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Hùng Vương quyết định tăng thu nhập của công nhân 15-20% so với năm 2007, đạt trung bình 3 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra các DN cũng xây dựng nhà ở chung cư để "giữ chân" công nhân. "Nếu chất lượng và giá cá tra nguyên liệu trong nước ổn định và thị trường thế giới tiếp tục khả quan thì xuất khẩu cá tra philê VN vào năm 2010 hoàn toàn có thể đạt mốc 1,5 tỉ USD" - ông Dương Ngọc Minh nói.

Ngoài nhà máy chế biến 100 tấn cá tra nguyên liệu/ngày tại KCN Mỹ Tho, công ty chuẩn bị xây dựng thêm phân xưởng hoặc một nhà máy mới vì thị trường xuất khẩu cá tra đang có xu hướng phát triển rất thuận lợi.

Công ty cổ phần Lâm thủy sản xuất khẩu Bến Tre (Faquimex) cũng vừa quyết định đầu tư 50 tỉ đồng để xây dựng thêm nhà máy chế biến cá tra thứ hai với công suất 5.000 tấn thành phẩm/năm tại thị xã Bến Tre. Ngay sau tết nhà máy này sẽ được khởi công và từ tháng 9-2008 trở đi Faquimex sẽ có hai nhà máy chế biến cá tra tổng công suất 1.500 tấn thành phẩm/năm.

Gắn vùng nuôi với chế biến

Thời điểm này có lẽ Faquimex là một trong số ít DN đã chủ động được 100% nguồn nguyên liệu chế biến cá tra xuất khẩu. Phó tổng giám đốc Nguyễn Hoài Ân cho biết hiện công ty đang nuôi 120ha cá tra ở vùng nước lợ và 50ha ở vùng nước ngọt cung cấp cho nhà máy 30.000 tấn cá nguyên liệu/năm. Hiện Faquimex tiếp tục mở rộng vùng nuôi để chuẩn bị nguyên liệu cho nhà máy thứ hai sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2008.

Theo ông Dương Ngọc Minh, hiện nay Công ty cổ phần Hùng Vương đang nuôi 120ha cá tra ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và liên kết với mười hộ dân ở ba tỉnh này nuôi thêm gần 100ha nữa để luôn đảm bảo 80% nguồn nguyên liệu chế biến mỗi năm. Những hộ nuôi cá liên kết này được công ty hỗ trợ 70% vốn đầu tư và cam kết bảo đảm cho người nuôi luôn có lãi ít nhất 10% sau thu hoạch bất kể giá cả thị trường xuống thấp. Còn nếu giá cá tăng thì lợi nhuận sẽ chia đôi.

Ông Minh cho rằng các DN tự nuôi cá hoặc liên kết với nông dân thì ngoài việc bảo đảm nguồn nguyên liệu chế biến và giá cả ổn định, DN còn kiểm soát được chất lượng cá và vấn đề dư lượng thuốc kháng sinh vì có kỹ sư thủy sản của công ty làm việc trực tiếp tại những ao nuôi.

Nuôi cá tra không lo lỗ

Tuy nhiên, chỉ những DN lớn mới chuẩn bị vùng nuôi cá tra nguyên liệu. Những doanh nghiệp nhỏ vẫn phải thu mua cá tra trong dân. Vì vậy với tình hình thị trường xuất khẩu dự báo sẽ rất khả quan trong năm 2008, người nuôi cá tra vẫn có thể thu được lợi nhuận khá với giá cả như hiện nay.

Một hộ nuôi cá tra ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) tính toán: "Chi phí nuôi 1kg cá tra hiện cao nhất cũng chỉ 13.000 đồng, trong khi giá cá trên thị trường từ 15.000-15.500 đồng/kg. Nuôi 1ha cá tra trong điều kiện bình thường thì nông dân có thể thu lãi thấp nhất cũng 500 triệu đồng".

Do giá cá bắt đầu tăng nên ở một số tỉnh ĐBSCL đã xuất hiện tình trạng người nuôi "ghim hàng" chờ giá tăng thêm. Ông Nguyễn Văn Đạo cho biết nếu giá cá tra nguyên liệu ở mức 15.500 đồng/kg thì DN chế biến đã gặp khó khăn. Trường hợp giá tăng tới 17.000 đồng/kg như năm 2007 thì DN sẽ bị lỗ.