00:00 Số lượt truy cập: 3082917

Xuất khẩu cao su bứt phá 

Được đăng : 03/11/2016
Hiện giá cao su xuất khẩu đang tăng giá mạnh, lượng cao su của Việt Nam xuất qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) tăng đột biến. Các chuyên gia đều nhận định, sau một thời gian gặp khó khăn, xuất khẩu cao su đang trở lại cảnh sôi động, bứt phá cả về giá trị và khối lượng…

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, bắt đầu từ tháng 7-2009 trở lại đây, giá cao su xuất khẩu tăng mạnh, mở ra tín hiệu khả quan về xuất khẩu cũng như lợi ích cho người trồng cao su. Trong những tuần đầu tháng 8-2009, giá cao su bán tại cửa khẩu Móng Cái đã tăng lên mức 13.600 NDT/tấn (tăng khoảng 1.600 NDT so với hồi tháng 7-2009 trong khi hồi trước tháng 6-2009, giá cao su có lúc rớt xuống chỉ còn 10.000 NDT/tấn).

Chế biến cao su tại Nhà máy chế biến cao su Long Thành. Ảnh: THÀNH TÂM

Ông Nguyễn Văn Kiên, Đội phó Đội hàng hóa xuất nhập khẩu 2 thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, cho biết, hiện ở các kho của Móng Cái đều không còn hàng tồn, bao nhiêu cao su cũng được các thương nhân Trung Quốc thu mua hết. Ở Trung Quốc, thị trường giao dịch cao su sôi động nhất là Thượng Hải. Tuy nhiên, vì khan sốt mủ cao su nên nhiều chủ doanh nghiệp ở Thượng Hải (Trung Quốc) hiện đã tìm xuống tận cửa khẩu Đông Hưng - Móng Cái để săn tìm các lô hàng cao su của Việt Nam.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết thêm, lượng mủ cao su giao dịch qua cửa khẩu Móng Cái hiện đang tăng lên tới 600 - 800 tấn/ngày, đặc biệt trong mấy ngày qua, cao điểm lên hơn 1.000 tấn/ngày, trong khi trước đó, chỉ nhúc nhích thông quan được khoảng 300 - 400 tấn/ngày, thậm chí trước tháng 6-2009 thì có ngày chẳng có một doanh nghiệp nào đến làm thủ tục thông quan.

Ông Kiên nói rằng, hoạt động mua bán cao su của Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu sôi động trở lại đã làm thay đổi hẳn bầu không khí xuất nhập khẩu ở cửa khẩu. Dọc sông Ka Long, tàu bè bắt đầu ngược xuôi tấp nập chở hàng… 

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc giá cao su xuất khẩu tăng bứt phá như hiện nay là do giá cao su thiên nhiên trên thế giới đều tăng mạnh vì nguồn cung đang thiếu nhiều, các nước chuyên cung ứng cao su nguyên liệu như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và cả Việt Nam cũng đều giảm sản lượng.

Từ tháng 7 trở lại đây, chính quyền Trung Quốc cũng thực hiện chính sách ưu đãi thuế, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu cao su. Do đó, các chuyên gia đều cho rằng, thị trường xuất khẩu cao su chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc và sẽ sôi động, khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2009. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu cao su đi 61 nước song lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chiếm tới 67,5% tổng lượng cao su xuất khẩu.

Nên đầu tư cho cao su

Cũng theo thông tin của Bộ NN-PTNT, trong 7 tháng đầu năm 2009, sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam mặc dù khó khăn nhưng vẫn đạt 316.000 tấn với tổng giá trị kim ngạch đạt 453 triệu USD. Như vậy, về lượng thì chúng ta vẫn tăng 2,55% so với cùng kỳ năm trước nhưng lại giảm khoảng 46% về giá trị. Nguyên nhân là do giá cao su của những tháng đầu năm 2009 tụt quá sâu so với năm 2008. Song nhiều chuyên gia cho rằng, với giá cao su như hiện nay, chúng ta vẫn đang có lãi vì không thể chọn giá của năm 2008 khi cao su lên đỉnh điểm làm căn cứ so sánh vì đây cũng là giá ảo.

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho rằng, với giá cao su đang tăng dần, triển vọng xuất khẩu cao su sáng sủa trở lại như hiện nay là cơ hội tốt để bà con đẩy mạnh chăm sóc và đầu tư cho cao su, nhằm tăng lượng mủ phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên tận dụng thời cơ khan sốt, nhu cầu của thế giới cao để đẩy mạnh lượng cao su xuất khẩu nhưng cũng nên tránh tình trạng đưa ồ ạt hàng về cửa khẩu để các tư thương nước ngoài lợi dụng ép giá.