Thông tin từ Bộ Thương mại cũng như của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) gạo đều cho biết: Gạo XK của VN đang được giá, làm cho hạt gạo của VN trên thương trường quốc tế thêm giá trị, điều này hoàn toàn phù hợp với những dự báo của Bộ Thương mại ngay từ những tháng đầu năm và là cơ hội cho bà con nông dân cũng như các DN kinh doanh gạo XK được hưởng lợi. Đây là cơ hội vàng, song các DN xuất khẩu cần thận trọng.
Bán được gạo XK giá cao
Tính đến trung tuần tháng 8, mặt hàng gạo trên thị trường Châu Á đã tăng giá do nguồn gạo của một số nước XK lớn như Ấn Độ, Pakistan... giảm mạnh đã làm cho giá chào gạo XK của VN tăng 4 - 6USD/tấn.
Thời điểm ngày 18.8, gạo 5% tấm XK của VN đã là 268 - 270USD/tấn; 25% tấm là 244 - 248USD/tấn. Nhưng đến thời điểm hiện nay, gạo 5% tấm XK đã lên tới 282USD/tấn, gạo XK 15% tấm đã tăng lên tới 265USD/tấn. Ngoài ra, sự kiện đảo chính ở Thái Lan những ngày vừa qua cũng là một nguyên nhân không nhỏ làm cho giá gạo tăng. Tính đến cuối tháng 9.2006, VN đã XK 4,105 triệu tấn gạo, với kim ngạch thu về trên 1 tỉ USD. Tuy nhiên, mức XK này đã giảm 8,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2005.
Một diễn biến thuận lợi khác cho mặt hàng gạo XK của VN là ngày 8.9 vừa qua, VN đã trúng thầu bán sang Nhật Bản 14.000 tấn gạo với mức giá 47.316JPY/tấn (422USD/tấn). Đây là lần thứ tư VN trúng thầu bán gạo cho Chính phủ Nhật Bản với tổng số 95.078 tấn gạo với mức giá cao. Được biết, VN vừa thắng thầu cung cấp 210.000 tấn gạo cho Indonesia, và đối tác Philippines cũng đã khẳng định tiếp tục mua gạo VN nếu giá cả cạnh tranh. Những sự kiện này đang làm cho thị trường XK gạo thêm sôi động.
"Siết chặt" giá XK
Để tận dụng thời cơ cho hoạt động XK gạo, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo giữ mức kế hoạch XK gạo cả năm là 5 triệu tấn, theo đó sẽ chỉ ưu tiên các hợp đồng giá cao và các hợp đồng tập trung. Thực hiện yêu cầu này, Bộ Thương mại cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra, cấm tất cả các đơn hàng XK với giá thấp.
Nguồn tin của các DN XK gạo cho biết: "Các hợp đồng bán gạo XK loại 25% tấm mà ký dưới 245USD/tấn đều không được xuất hàng". Giải thích nguyên nhân này với khách hàng, các DN đã cho rằng: Vì nhiều nước đã hết gạo, chỉ còn VN có gạo XK nên không được bán giá thấp. Và việc phải phá bỏ hợp đồng đã gây không ít phiền toái cho DN, nhưng đây là mệnh lệnh nên các DN cũng phải chấp hành và hy vọng sẽ được bù lại được bằng những hợp đồng giá cao.
Trước tình hình XK gạo khá thuận lợi hiện nay, Phó Vụ trưởng Vụ XNK Bộ Thương mại - ông Nguyễn Đăng Chi - cho biết: "XK được 5 triệu tấn gạo, khả năng đạt kim ngạch 1,3 tỉ USD là khả quan. Nhưng theo tôi, phải duy trì được giá XK ở mức cao, kể cả việc không XK đủ 5 triệu tấn cũng được, miễn là chúng ta thực hiện đủ chỉ tiêu về kim ngạch XK gạo. Không nên chạy theo số lượng nữa, gạo không XK được, ta có thể để lại XK cho năm sau". Với quan điểm này từ phía Bộ Thương mại đã cho thấy, vấn đề XK gạo giá thấp sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.
Đáng ngại là giá gạo trong nước còn có khả năng tăng, thậm chí còn có thể "sốt" giá. Nguyên nhân bởi nguồn cung trong nước không còn dồi dào do sản lượng lúa đông xuân năm nay giảm 11,3%, xuống còn 9,55 triệu tấn do nạn sâu bệnh hoành hành.
Trong khi các DN XK gạo đang đẩy mạnh mua vào để thực hiện các hợp đồng. Nhưng theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng lúa năm 2006 sẽ đạt khoảng 35,95 triệu tấn, cộng với lượng gạo tồn kho 2005 thì yêu cầu 5 triệu tấn gạo dành cho XK mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực là điều kiểm soát được. Nhưng do giá XK tăng, giá lúa thu mua trên thị trường cũng đang biến động.
Hiện giá lúa trên thị trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức 2.500-2.600 đồng/kg, tăng hơn tháng trước từ 50-100đ/kg và tăng từ 200-300 đồng/kg lúa so với cùng kỳ năm 2005. Nhưng các DN XK gạo đều có chung nhận xét: Giá XK tăng thì giá lúa trong nước cũng phải tăng tương ứng, điều này có lợi cho bà con nông dân và cũng là lý do phù hợp để các nhà buôn nước ngoài phải chấp thuận mua gạo XK giá cao của VN.
* Theo một số DN kinh doanh lương thực ở ĐBSCL, so với thời điểm đầu năm 2006, hơn 2 tuần qua, giá chào bán gạo xuất khẩu cao hơn 10 - 15USD/tấn so với thời điểm đầu năm 2006. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 10 năm qua đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của các DN ở ĐBSCL. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết mức giá này vẫn thấp hơn so với giá chào bán gạo xuất khẩu của TCy Lương thực Miền Nam khoảng 15USD/tấn (gạo 5% tấm). Do nhu cầu gạo cho xuất khẩu tăng trong khi nguồn cung giảm vì đang thời kỳ giáp vụ nên giá lúa, gạo cũng tăng nhẹ (20 - 30 đồng/kg) trong 2 tuần qua. Giá lúa đông xuân hiện 2.800 - 2.900 đồng/kg, vụ hè thu 2.450 - 2.500 đồng/kg; còn giá gạo tẻ thường ở mức 3.800 - 4.600 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên (Giám đốc Cty CP thương nghiệp tổng hợp và chế biến lương thực Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), ngoài sản lượng lúa bao tiêu theo hợp đồng, để đáp ứng nhu cầu gạo xuất khẩu, Cty còn liên kết và tiêu thụ lúa, gạo ngoài địa bàn Cần Thơ, thông qua thương lái ở các địa phương vùng ĐBSCL.
* Trong khi đó, tại TPHCM, giá các loại gạo tiếp tục tăng. Ngày 27.9, Ban quản lý chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu cho biết, lượng gạo nhập về chợ trong những ngày qua giảm khoảng 20 tấn/ngày so với thường lệ, chỉ còn khoảng 170 tấn/ngày.
Song song với việc giảm nguồn hàng, giá hầu hết các loại gạo đều tiếp tục tăng 100 - 200 đồng/kg. Chẳng hạn như nàng Thơm chợ Đào giá 7.500 - 7.700 đồng/kg, tài nguyên chợ Đào 6.600 - 7.700 đồng/kg. Nguyên nhân nguồn hàng giảm, giá tăng do nhà nông bị ảnh hưởng bởi dịch sâu bệnh và thị trường xuất khẩu gạo đang sôi động với việc VN trúng thầu một số hợp đồng xuất khẩu gạo.