Theo Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu gạo 15% tấm đang ở mức 310 USD/tấn, tăng 11 USD/tấn so với tháng 1.2007 và tăng 64 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2006. Giá xuất khẩu gạo nếp 10% tấm ở mức 443 USD/tấn, tăng 2 USD/tấn so với tháng 1.2007 và tăng tới 127 USD/tấn so với tháng 2.2006. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Indonesia và Philippines. Tính bình quân, đơn giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 2 và tháng 3 đạt mức kỷ lục với 325 USD/tấn, tăng tới 46 USD/tấn so với tháng 2.2006.
Giá gạo xuất khẩu cao, doanh nghiệp lợi và nông dân cũng được lợi, đó là điều đáng mừng nhất. Hiện giá lúa mua của nông dân ở An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang là 2.800 đồng/kg, tăng 100-150 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu loại tốt lên 3.660-3.700 đồng/kg, tăng khoảng 100 đồng/kg. Hiện tại, thương lái đang đổ xô về An Giang - nơi đang vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết hiện đang rất lo vì tổng số hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký trên 3 triệu tấn trong khi Chính phủ chỉ cho phép xuất khẩu từ 4-4,5 triệu tấn năm nay trong khi vụ đông xuân mới bắt đầu thu hoạch rộ và còn nhiều vụ khác trong năm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến thời điểm này, vụ đông xuân ở ĐBSCL cơ bản đã thắng lợi, năng suất lúa vụ đông xuân năm nay thậm chí còn cao hơn vụ đông xuân năm 2005-2006. Về phẩm chất gạo, mặc dù vụ lúa đông xuân năm nay có bị dịch bệnh tấn công một vài nơi, nhưng gạo xuất khẩu phần lớn là gạo có phẩm chất cao.
Bộ Thương mại cho biết, sản lượng gạo thế giới niên vụ 2006-2007 đạt 414,95 triệu tấn, giảm 2,15 triệu tấn so với niên vụ trước. Trong đó, dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc, nước sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới đạt 128 triệu tấn, tăng 1,59 triệu tấn; Ấn Độ đạt 91 triệu tấn, giảm 1,79 triệu tấn; Thái Lan 18,25 triệu tấn, tăng 0,05 triệu tấn. Riêng Việt Nam vẫn đạt sản lượng như mức của niên vụ trước là 22,77 triệu tấn.
Dù rất vui với tình hình trên nhưng vẫn có những mối lo. Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nguyệt - Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: "Vấn đề lo lắng hiện nay của các doanh nghiệp chính là vận chuyển tàu biển. Do hợp đồng xuất khẩu gạo hiện nay tăng đột biến nên lượng tàu biển đáp ứng không đủ, giá vận chuyển tăng cao". Về phía người nông dân, Bộ NN-PTNT cảnh báo xu hướng dịch bệnh trên lúa bùng phát trở lại do nông dân thấy giá cả tăng cao nên đẩy mạnh trồng lúa mà không tuân thủ yêu cầu kỹ thuật. Bộ Thương mại dự báo: "Thời tiết khô hạn tiếp tục tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp cùng với dịch bệnh ở gia súc, gia cầm và nhiều loại cây trồng đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng của nhiều ngành sản xuất. Tình hình này sẽ tác động dây chuyền, đẩy giá các mặt hàng gạo, thực phẩm, vật liệu xây dựng tăng theo".