Xuất khẩu gạo năm 2007: Chỉ còn khoảng 4 triệu tấn
Được đăng : 03/11/2016
Dịch rầy nâu đang đe dọa mùa màng, đe dọa an ninh lương thực. Tình hình này đã buộc các doanh nghiệp thống nhất hạn chế lượng gạo xuất khẩu trong năm 2007 này chỉ giới hạn ở khoảng 4 triệu tấn.
Nỗ lực khống chế dịch bệnh trên lúa
Chúng tôi đến huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) khi cuộc chiến chống rầy nâu đang vào đợt cao điểm. Ở các vụ lúa năm trước, nơi này đã bị dịch rầy nâu hoành hành gây thiệt hại nghiêm trọng, có đến 12.300 ha lúa nhiễm bệnh, trong đó phải tiêu hủy đến 1.125 ha, giảm sản lượng lúa gần 28.000 tấn. Khi chúng tôi đến, vẫn còn vài đám ruộng cháy vàng hai bên đường nhưng rất nhiều nơi ruộng lúa lên xanh tốt.
Ông Phan Văn Lâm, Chủ tịch huyện Tháp Mười đi cùng chúng tôi cho biết: "Ngoài việc tổ chức chỉ đạo nông dân xuống giống đồng loạt đúng thời điểm, huyện còn tổ chức phun xịt thuốc phòng trừ rầy, tổ chức 3 đợt cho nước vào ngập thân cây lúa để che chắn rầy, tổ chức chiến dịch ra quân nhổ bỏ lúa bệnh, nơi nào nặng thì vận động nông dân tiêu hủy để tránh lây lan". Kết quả là các trà lúa đã xuống giống hiện vẫn phát triển tốt, diện tích bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên 10% phải tiêu hủy chỉ khoảng 3,2 ha.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt và Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong tuần qua có đến 6.141 ha nhiễm bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá trong đó 4.678 ha bị nhiễm nặng phải tiêu hủy. Tính trong tháng 12.2006, tổng lượt diện tích tiêu hủy là 3.099 ha. Đối với lúa vụ đông xuân đang xuống giống ở ĐBSCL, tổng diện tích nhiễm rầy nâu khoảng 136.272,5 ha (giảm 28.390,7 ha so với tuần trước đó, tuy nhiên diện tích nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên 43.900 ha, tăng 21.034 ha so với tuần trước, diện tích mới phát sinh trong tuần 15.366 ha, diện tích tập trung nhổ bỏ cây bệnh là 5.668 ha và đã tiêu hủy 1.326,77 ha.
Tuy nhiên, tiến sĩ Mai Thành Phụng, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch rầy nâu các tỉnh phía Nam, nhận xét: "Với kinh nghiệm chống dịch rầy nâu và cách chỉ đạo quyết liệt, vụ lúa đông xuân 2006-200 đã có khoảng 1.300.000 ha/1.600.000 ha được gieo sạ tập trung, đồng loạt, áp dụng đồng bộ các biện pháp trừ rầy và đang phát triển rất tốt, ít nhiễm rầy và rất ít nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Đây là tín hiệu đảm bảo vụ lúa đông xuân 2006-2007 thắng lợi".
Giảm lượng gạo xuất khẩu 1 triệu tấn so với 2006
Trong năm 2006, trước tình hình dịch rầy nâu hoành hành gây thiệt hại lớn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngưng xuất khẩu gạo từ tháng 11.2006 và vì vậy, cả năm các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được 4,7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 1,3 tỷ USD. Năm nay, cũng với tình hình dịch rầy nâu vẫn chưa được khống chế, lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể kéo dài đến tháng 2. Tại cuộc họp giao ban về tình hình xuất khẩu lúa gạo năm 2007 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh , Bộ Thương mại đã đưa ra kế hoạch sẽ xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn lúa gạo trong năm 2007, giảm 1 triệu tấn so với năm 2006. Bộ Thương mại cho biết, việc đưa ra chỉ tiêu thấp hơn so với xuất khẩu gạo năm nay là do sản lượng lúa vụ đông xuân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - khu vực sản xuất và xuất lúa hàng hóa lớn nhất - dự kiến chỉ đạt 8 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước, do dịch sâu bệnh hoành hành.
Tại cuộc họp tổng kết cuối năm ngày 5.1 của Hiệp hội lương thực Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood II) cho biết: "Thị trường xuất khẩu gạo thế giới năm nay khá tốt và giá cả sẽ tiếp tục tăng cao do nhu cầu thị trường rất lớn trong khi nguồn cung không đủ cầu. Đáng tiếc là sản lượng gạo cả nước bị giảm sút".
Theo kế hoạch của Vinafood II, xuất khẩu gạo sẽ tập trung vào các thị trường chính như Philippines, Malaysia, Indonesia. Dự kiến trong năm 2007, Malaysia sẽ nhập khoảng 300.000 tấn gạo các loại, trong đó khả năng nhập khẩu của Việt Nam khoảng 200.000 tấn gạo chất lượng cao. Trong tháng 1.2007, Vinafood II sẽ tham gia đấu thầu 500.000 tấn gạo tại Philippines và cả năm dự kiến sẽ bán được trên 1 triệu tấn gạo vào thị trường này. Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đã thống nhất về chỉ tiêu trên đồng thời nhất trí sẽ thực hiện việc điều hành xuất khẩu lúa gạo bám sát với tình hình thực tế và nhu cầu cụ thể của thị trường trong từng tháng để có được giá thuận lợi.