00:00 Số lượt truy cập: 3082625

Xuất khẩu, không chỉ có một lối đi 

Được đăng : 03/11/2016
Khủng hoảng kinh tế khiến các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược kinh doanh, tìm về thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng tăng, giá giảm

Sự sụt giảm xuất khẩu trong mấy tháng gần đây là do giá giảm đáng kể, trong khi lượng xuất khẩu vẫn tăng. Bộ Công Thương cho biết, mặc dù lượng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản đều tăng nhưng vì giá giảm nên kim ngạch giảm 1, 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2008.

Bộ Công Thương ước tính, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu giảm khoảng 10, 5 tỷ USD, bằng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2009.

Tiến sĩ Lê Đình ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia phân tích: “Hiện xuất khẩu chưa khai thác được lợi thế so sánh, chủ yếu dựa vào lợi thế tự nhiên như khoáng sản; hàng gia công và nông sản chưa qua chế biến giá trị gia tăng thấp. Đã đến lúc cần cơ cấu lại cả mặt hàng lẫn thị trường xuất khẩu, nâng cao hàm lượng gia tăng giá trị. Công tác xúc tiến thương mại cũng cần phải làm bài bản, nhìn xa hơn những thị trường quen thuộc”.

Khi cánh cửa thị trường lớn co hẹp, Việt Nam đã nỗ lực mở cửa thị trường mới ở châu Phi, Trung Đông... Tuy xuất khẩu chưa nhiều và đây là những thị trường nhỏ, nhưng nhu cầu nhập khẩu lại ổn định, yêu cầu không cao, không đặt ra nhiều rào cản thương mại. Vì thế, đây sẽ là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp tiếp tục thâm nhập.

Ngay như thị trường lớn là Hoa Kỳ, tuy kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ở đó còn nhiều cơ hội mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận đầy đủ hoặc chưa khai phá hết. Đó là các bang nhỏ, rất hợp với hàng Việt Nam.

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu

Vụ Xuất nhập khẩu cho rằng, cần tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu bằng việc tìm lợi thế ở hiệp định thương mại tự do với các nước. Từ ngày 1/10/2009, Hiệp định kinh tế Việt Nam -Nhật Bản chính thức có hiệu lực, ít nhất 86% hàng nông - lâm -thủy sản của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế khi thâm nhập thị trường này. Việc khai thác các thị trường cũng cần được xúc tiến mạnh hơn như Hàn Quốc, Nga và Trung Đông.

Trước những kết quả đã và dự kiến sẽ đạt được trong năm 2009, Bộ Công Thương đưa ra một số kế hoạch cơ bản cho hoạt động của ngành trong năm 2010. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng từ 6% trở lên, đạt 62, 54 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu 75 tỷ USD. Để đạt được kế hoạch trên, Bộ Công Thương đề ra các giải pháp như: chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao như dệt may, giày dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử, sản phẩm nhựa... Tận dụng tốt hơn lợi thế từ các hiệp định thương mại, nhất là thị trường Nhật Bản và các nước trong khu vực, gắn thị trường xuất khẩu với nhập khẩu. Thông qua đó, đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường hiện có mức nhập siêu lớn (nhất là Trung Quốc). Triển khai hệ thống cảnh báo sớm đối với một số thị trường có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu, đồng thời chủ động tham gia giải trình, vận động hành lang để giải quyết các vụ kiện ở nước ngoài. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, củng cố thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, đối tác mới (trong đó có Lào, Campuchia). Trong năm 2010, dự kiến sẽ có trên 200 đề án xúc tiến thương mại được phê duyệt, với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2009.