Xuất khẩu nông sản năm 2009, những điểm mạnh và còn yếu
Được đăng : 03/11/2016
Năm 2009-năm khó khăn đối với kinh tế toàn cầu đã qua. Với việc kịp thời điều chỉnh mục tiêu và sự chỉ đạo sáng tạo, sát thực tế của Chính phủ, kinh tế – xã hội nước ta đã có mức tăng trưởng khá (GDP tăng 5,32%), nằm trong số 12 nước có mức tăng trưởng dương trên toàn thế giới. Chúng ta đã ra khỏi tình trạng suy thoái một cách ngoạn mục, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngành nông nghiệp có đóng góp quan trọng vào kỳ tích này.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản đạt 15,4 tỷ đôla Mỹ (nông sản trên 8 tỷ, thuỷ sản trên 4 tỷ, lâm sản 2,6 tỷ...), vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao (14 tỷ đôla Mỹ), được coi là kỷ lục của nhóm ngành hàng này từ trước đến nay. Trong các nhóm hàng có kim ngạch trên 1 tỷ đôla Mỹ, sản phẩm ngành nông, lâm, ngư nghiệp có 4/10 mặt hàng, đó là thuỷ sản, gạo, gỗ và các sản phẩm gỗ, càphê. Số lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản đều tăng so với năm trước, nhiều mặt hàng đạt số lượng xuất khẩu kỷ lục, gạo đạt 6 triệu tấn, hạt tiêu 110.000 tấn (đứng đầu thế giới), càphê... Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu nông sản của ta còn nhiều điểm yếu, nếu khắc phục được, kim ngạch còn tăng hơn nhiều. Có thể thấy rất rõ một số điểm yếu sau: Chủ yếu là xuất thô (hàm lượng giá trị gia tăng thấp do chưa qua chế biến), xuất dưới tên người khác (chưa có thương hiệu), số lượng xuất khẩu lớn nhất nhưng không quyết định được giá, sản xuất nhỏ lẻ nên chất lượng không đều và khó gom đủ số lượng lớn với cùng chất lượng, tư duy sản xuất theo phong trào còn tồn tại, sự hợp tác liên kết lỏng lẻo, các doanh nghiệp xuất khẩu chưa có phương thức tự bảo vệ mình khi đối tác cho rằng ta bán phá giá, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học chưa nhiều, công tác dự báo thị trường còn yếu... Những điểm yếu này không phải năm nay mới xuất hiện mà đã tồn tại từ lâu nhưng chậm được khắc phục.
Khắc phục được những điểm yếu trên, nông sản của ta sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình phát triển của đất nước, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người nông dân.