00:00 Số lượt truy cập: 3080670

Xuất khẩu nông sản nhìn từ Thái Lan 

Được đăng : 03/11/2016
Người tiêu dùng Việt Nam vẫn luôn tự hỏi: Tại sao hoa quả từ Thái Lan vào nước ta vừa rẻ lại vừa ngon? Để giải đáp thắc mắc này, chúng tôi đã có dịp sang Thái Lan tìm hiểu công nghệ sản xuất, quá trình tiêu thụ nông sản của nước này.

Trong chuyến đi về vùng Đông Bắc Thái Lan cùng các chuyên gia của Viện Công nghệ châu á tham quan cánh đồng lúa canh tác theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI), băng qua đoạn đường dài gần 500km mà chỉ mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, tôi nhận thấy, riêng phương tiện đi lại nhanh chóng đã là một cách để giảm giá thành cho nông sản.

Nhà nghiên cứu P. Kumar cho biết, là quốc gia có nền nông nghiệp tương đồng với Việt Nam, thậm chí có những điều kiện còn hạn chế hơn nhưng Thái Lan đã vươn lên trở thành nước đứng đầu về xuất khẩu nông sản với giá trị cao hơn hẳn so với Việt Nam. Có được điều đó là do Thái Lan đã biết định hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào việc khai thác đặc sản của từng vùng, thậm chí cả những vùng khó khăn nhất. Các dự án FDI trong nông nghiệp được miễn giảm 50% thuế nhập khẩu đối với các loại máy móc, thiết bị. Với các dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khó khăn và có sản phẩm xuất khẩu, được miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm. Chính sách này đã làm cho nền nông nghiệp Thái Lan có được những lợi thế về chất lượng và giá cả trên thị trường nông sản thế giới và tạo được thương hiệu tốt.

Điểm đáng chú ý là trái cây và nông sản của Thái Lan sản xuất theo quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt) nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Ở Thái Lan, đa số nông dân được chính phủ hướng dẫn và hỗ trợ cặn kẽ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP từ khâu chọn cây giống cho đến bón phân, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Trong khâu tiêu thụ tại đây có sự kết hợp giữa các nhà bán lẻ với hệ thống siêu thị rồi từ đó chia nhỏ ra thành những đại lý ở nhiều nơi để thu mua hàng hóa tại nơi sản xuất. Một số nơi còn cử nhân viên đến giám sát và thẩm tra thường xuyên quá trình sản xuất, ghi chép vào sổ sách và xem xét xem quy trình sản xuất đó có an toàn và phù hợp với tiêu chuẩn đề ra hay không.

Tại các chợ ở Thái Lan, thương nhân bày bán hoa quả theo chủng loại trong những giỏ nhựa bắt mắt. Đối với các loại trái cây dễ dập nát như táo, lê, nho, chuối, họ bao bằng một lớp lưới xốp bên ngoài để tránh bị trầy xước và bầm giập. Không những thế, trong chợ còn có những khu vực riêng biệt cho từng chủng loại trái cây và được làm lạnh liên tục để tránh hư, thối.

Nhìn lại ngành nông nghiệp nước nhà

GS-TS. Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang đánh giá, không chỉ riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà nông sản ở hầu hết các địa phương nước ta đều rơi vào cảnh được mùa rớt giá. Một số loại trái cây trước đây vốn là thế mạnh của vùng ĐBSCL nhưng nay cũng bị hàng Thái Lan lấn át như sầu riêng, măng cụt, thanh long...

Sở dĩ trái cây nói riêng và nông sản Thái Lan nói chung xâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam là vì hàng hóa Thái Lan có chất lượng cao hơn hẳn hàng cùng loại của nước ta mà giá cả lại hợp lý. Thêm nữa, do nhập lậu nên một số loại trái cây của họ còn có giá rẻ hơn. Trong khi đó, đa số trái cây của nước ta không có cải tiến đáng kể về giống, nhất là cải tiến về chất lượng, thậm chí một số giống bị thoái hóa mà vẫn còn cố giữ để tiếp tục trồng lại đã làm cho trái cây vùng ĐBSCL nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung ngày càng sa sút về chất lượng và thua kém các trái cây cùng loại nhập khẩu từ Thái Lan.

Thêm vào đó, nông dân và doanh nghiệp nước ta còn thiếu tinh thần hợp tác: tranh mua tranh bán, thích mua hàng trôi nổi, giá rẻ dẫn đến mất lòng tin lẫn nhau.

Theo ông Xuân, để nông sản nước ta không bị thua thiệt trên “sân nhà” thì việc cải tiến giống sao cho tốt hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu chọn giống đến thu hoạch là việc làm cấp thiết. Đồng thời, các doanh nghiệp và nhà nông cần nâng cao hợp tác trên tinh thần hài hòa lợi ích. Có như vậy mới có thể cạnh tranh được với nông sản của Thái Lan.