Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắn đạt trên 1,5 triệu tấn, với tổng giá trị gần 230 triệu USD, tăng 41% về lượng và 46% về kim ngạch so với cùng năm trước.
Trong giai đoạn 2001-2006, xuất khẩu các sản phẩm sắn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 40%/năm.
Ngoài các thị trường truyền thống là Hàn Quốc và các nước EU, các sản phẩm sắn của Việt Nam đã được xuất sang Trung Quốc và một số nước châu Á.
Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sắn sang Trung Quốc đạt 189 triệu USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu sắn của cả nước. Xuất khẩu sắn sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Hàn Quốc và Philíppin cũng đạt kết quả khá với giá trị đạt lần lượt là 10 triệu USD, 7 triệu USD và 6,2 triệu USD.
Để duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sắn, các cơ quan chức năng đang phối hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư quy hoạch các vùng trồng sắn nguyên liệu, cải tạo và nâng cấp các nhà máy chế biến song song với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại.
Việc thành lập Hiệp hội Sắn nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý, tiêu thụ sản phẩm cũng đang được xúc tiến triển khai.
Cả nước hiện có hơn 400.000 ha sắn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và các tỉnh miền núi, trung du Bắc bộ, với sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 7 triệu tấn.