00:00 Số lượt truy cập: 2997566

Xuất khẩu thủy sản: Sạch từ ao đến bàn ăn 

Được đăng : 03/11/2016

Chế biến thủy sản phai đảm bảo các tiêu chuẩn về ATVSTP để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.


Mặc dù ảnh hưởng kinh tế thế giới suy giảm, nhưng tổng sản lượng xuất khẩu thủy sản năm 2008 tăng 9,2% so với năm 2007, ước đạt 4,58 triệu tấn. Đây là năm đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch toàn ngành năm 2009 sẽ giảm khoảng 15-20% so với năm 2008. Phương thức sản xuất sạch từ ao nuôi đến bàn ăn là chiến lược để doanh nghiệp tồn tại.

Thực tế nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của thị trường nội địa và nước ngoài ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp chế biến và người nuôi thủy sản ở ĐBSCL cũng nắm bắt được xu hướng này và xây dựng thành công nhiều vùng nuôi tôm sú sinh thái, nuôi cá tra theo tiêu chuẩn GAP.

Vùng nuôi tôm sinh thái xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển với 850 hộ đang nuôi tôm sinh thái là một điển hình. Anh Lữ Minh Nhã, ấp Bông Súng, xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau đã ký hợp đồng nuôi tôm ATVSTP từ năm 2002 đến nay. Trên diện tích 30%/tổng 12 ha đất rừng đước nhận khoán, đã mang lại thu nhập cho gia đình anh Nhã mỗi năm trên 200 triệu đồng. Từ khi nuôi tôm sinh thái đến nay anh Nhã không hề thất bại, tôm sú nuôi tự nhiên không bị dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt nuôi tôm sinh thái không sử dụng hóa chất, không cho ăn, trên bờ không sử dụng thuốc BVTV... năng suất chỉ bằng nuôi tôm quảng canh, nhưng giá bán cao hơn 20%.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Quản đốc Lâm trường 184 cho biết: Tổng diện tích rừng được là 3.428 ha, với 1.400 hộ dân canh tác và nuôi trồng trên 1.067 ha mặt nước dưới tán rừng. Từ năm 2000 được sự hỗ trợ chi phí của Sippo (Thụy Sĩ) tổ chức Naturland (Đức) đã thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái. Đến nay đã công nhận 850 hộ trang trại đạt tiêu chuẩn nuôi tôm sinh thái. Mô hình này đã giúp 120 hộ làm giàu, 424 hộ vươn lên khá... Định hướng của Ban quản lý là đến năm 2010 là 347 hộ còn lại thuộc Lâm trường 184 sẽ cùng bắt tay vào ký kết làm ăn với công ty theo phương châm ATVSTP từ vùng nuôi đến bàn ăn.

Ông Phạm Học Duyệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Năm Căn, Cà Mau cho biết: Người tiêu dùng thế giới đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu. Do vậy, công ty đã tận dụng ưu thế sẵn có là nằm trên vùng nguyên liệu lớn nhất khu vực, có diện tích rừng rất phù hợp để triển khai mô hình nuôi tôm ATVSTP. Đã có 302 hộ dân vùng rừng đước thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, huyện Ngọc Hiển được tập huấn về kỹ thuật và quy trình nuôi tôm sinh thái. Người nuôi tôm tham gia chương trình này được tiếp cận kỹ thuật mới, được bao tiêu, sản phẩm thành phẩm xuất bán được chi trả thêm 15% chi phí so với giá bán nguyên liệu.

Ông Phạm Học Duyệt cho biết thêm: Huyện Năm Căn đã quy hoạch 10.000 ha tôm sinh thái. Và để đạt được công nhận tôm sinh thái thì người nuôi phải tuân thủ các tiêu chí sau: Mỗi nông trại, hộ nuôi phải có diện tích rừng từ 50%/tổng diện tích giao nhận đất rừng đước theo quy định của nhà nước; quá trình nuôi không được sử dụng hóa chất, thức ăn, tuyệt đối phải cách ly thuốc BVTV...

Vào cuối năm 2008, Văn phòng Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản kiểm tra thực tế mô hình nuôi cá tra theo tiêu chuẩn GAP 30 ha tại xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long do Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An, TP.Cần Thơ đầu tư. Bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An nói: “Ngày đặt viên gạch đầu tiên vấn đề ATVSTP được chúng tôi xác định là sự sống còn của công ty. Hiện tại, sản phẩm cá tra của Công ty Thủy sản Bình An đã xuất khẩu trên 100 quốc gia. Định hướng của công ty là phải khép kín từ ao nuôi đến bàn ăn và đây là một giải pháp để duy trì nhịp độ xuất khẩu mặt hàng cá tra trong điều kiện khó khăn hiện nay”.

Bà Lê Ngọc Diện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.Cần Thơ, cho biết: ATVSTP từ vùng nuôi đến bàn ăn đã thực hiện từ năm 2003, thông qua dự án nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm thủy sản. Cuối năm 2008, TP.Cần Thơ đã có 70 ha nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn SQF 1.000 và nhân rộng mô hình thêm được 20 ha nuôi cá theo tiêu chuẩn GAP. Năm 2009 tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện mở rộng thêm diện tích. Mục tiêu ATVSTP từ ao nuôi đến bàn ăn trong nuôi trồng và chế biến thủy sản phải được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Vasep, đã khuyến nghị các doanh nghiệp thủy sản cần nhanh chóng tăng khả năng cạnh bằng nâng cao chất lượng chứ không hướng về sản lượng như năm 2008. Ngay từ bây giờ, áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường, ATVSTP trong nuôi trồng và chế biến là một trong những cách cứu con cá tra sống lại.