00:00 Số lượt truy cập: 3082713

Xuất khẩu thủy sản có vượt qua khó khăn? 

Được đăng : 03/11/2016
Từ năm 2008 đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về nguyên liệu lẫn đầu ra cho sản phẩm nhưng bằng nhiều nỗ lực, ngành thủy sản đang có dấu hiệu hồi phục.

Chế biến thuỷ sản XK tại Cty CP Xuất-nhập khẩu Thuỷ sản An Giang.

Tín hiệu vui

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chưa bao giờ ngành thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Trong nước, hai đối tượng nuôi chủ lực là tôm và cá tra đều trong tình trạng treo ao vì thiếu vốn. Điều này dẫn đến nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng, nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đó là chưa kể việc đầu ra ách tắc do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Hiện sản phẩm thủy sản nước ta chỉ giữ được 122 thị trường, giảm 37 thị trường so với năm 2008.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành thuỷ sản đều nhận định, từ tháng 8, xuất khẩu thuỷ sản đang có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng mạnh trên một số thị trường như: Hoa Kỳ, các nước châu Mỹ với khối lượng xuất khẩu tăng trên 20%, giá trị tăng từ 6 - 8% so với cùng kỳ năm 2008.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang) cho biết, vừa qua, Brazil đã quyết định nhập khẩu cá tra của hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam. Quyết định này được đưa ra sau khi phía Brazil đến kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thủy sản của nước ta. Hiện, đã có một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Hùng Vương xuất những đơn hàng đầu tiên vào thị trường Brazil với giá tương đương thị trường châu Âu. Dự kiến, mỗi năm Brazil sẽ nhập khẩu khoảng 40.000 tấn cá tra của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho hay, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 8/2009 đạt 450 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng qua lên 2,65 tỷ USD. Trong các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu thì tôm chiếm vị trí số một với khối lượng xuất khẩu hơn 95.000 tấn. Mặt hàng giữ vị trí thứ hai là cá tra, basa với khối lượng xuất khẩu 324,38 ngàn tấn, đạt giá trị 733,17 triệu USD. Mặt hàng này vẫn đạt được sự tăng trưởng tốt ở thị trường EU, Hoa Kỳ. Với tỷ trọng giá trị chiếm tới 11,02%, Tây Ban Nha trở thành bạn hàng lớn nhất tiêu thụ cá tra, basa của Việt Nam.

Còn nhiều rào cản

Sắp tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU sẽ bị ảnh hưởng nhất định khi Quy định 1005/2008 của Ủy ban châu Âu (EC) có hiệu lực (ngày 1/1/2010). Theo đó, EC sẽ thiết lập hệ thống kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xoá bỏ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (illegal, unreported and unregulated fishing - IUU), mỗi lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU nhất thiết phải có bản cam kết của nhà máy chế biến về nguồn gốc sản phẩm hoặc giấy chứng nhận khai thác (trong trường hợp tổng sản lượng thủy sản đánh bắt được chế biến thành sản phẩm trong một lô hàng xuất khẩu)...

Phân tích về ảnh hưởng của IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, VASEP nhận định, trong giai đoạn đầu, IUU sẽ có tác động không nhỏ đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU, trong khi đây là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam (chiếm trên 40% tổng lượng thủy sản xuất khẩu).

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, xuất khẩu thuỷ sản vẫn có thể lạc quan nếu phát huy được những lợi thế, làm tốt công tác thị trường và có thể đóng góp thêm 1,75 tỷ USD trong những tháng cuối năm, nâng tổng kim ngạch của cả năm 2009 lên tới 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành này chỉ có thể phát huy mạnh mẽ và mang lại hiệu quả cao khi chúng ta đẩy mạnh khai thác những thị trường tiềm năng. Chẳng hạn, Nhật Bản đang trở thành đối tác nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Những sản phẩm thủy hải sản chủ yếu xuất sang thị trường này là cá tra, basa, cá hồi, cá đuối, cá bò, cá ghim,...

Để cải thiện tình hình xuất khẩu của ngành thủy sản trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã đề ra một số giải pháp. Theo đó, các doanh nghiệp cần tích cực tiếp cận với các kỳ hội chợ thương mại sắp diễn ra tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, EU... để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác mới. Đồng thời, cần tăng cường liên hệ với đối tác tại các thị trường lớn trước những ngày lễ, Tết trong các tháng cuối năm để đàm phán hợp đồng, chuẩn bị tốt nguồn cung.