Thời điểm... tăng tốc
Theo Bộ NN-PTNT trong tháng 9/2007, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cả nước xuất được 380 triệu USD; nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm lên 2,7 tỷ USD, tăng khoảng 14% so cùng kỳ năm ngoái. Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Lương Lê Phương nhìn nhận: “Thông thường xuất khẩu quý 4 bao giờ cũng khả quan, nhờ nguồn nguyên liệu khá hơn và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới mạnh. Do đó, khả năng cả năm đạt 3,6 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở”.
Những thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… đang có triển vọng tốt. Giá thủy sản trên thị trường thế giới cũng đang có xu hướng tăng vào cuối năm nhờ tiêu thụ mạnh trong các dịp lễ như Noel, Tết Dương lịch… Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Thủy sản Kiên Giang cho biết: “Đến thời điểm này chúng tôi đã xuất trên 62 triệu USD, đang chạy nước rút để kịp hoàn thành chỉ tiêu 100 triệu USD”. Tại Bến Tre, trong 9 tháng qua đã xuất đạt 38 triệu USD, 3 tháng còn lại cố gắng xuất thêm 22 triệu USD để đạt kế hoạch đề ra. Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau cho biết: “Cà Mau phấn đấu 3 tháng cuối năm xuất từ 200-210 triệu USD, góp phần đưa xuất khẩu thủy sản về đích sớm”.
Nếu như các doanh nghiệp chế biến tôm nỗ lực xuất khẩu thì những nhà máy chế biến cá tra, ba sa cũng hoạt động không ngơi nghỉ. Tại An Giang, ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở Thủy sản thông báo nhanh: “Tính về sản lượng tới nay đã tăng trên 62% và giá trị tăng 60% so cùng kỳ năm ngoái. Năm 2007 này, lượng cá xuất khẩu sẽ đạt 120.000 tấn, tương đương giá trị 320 triệu USD. Điều đáng mừng là thị trường xuất khẩu liên tục mở rộng, các doanh nghiệp đã xuất sang 75 nước trên thế giới, với nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng cao”. Theo ông Thạnh, giá xuất thời gian qua luôn ổn định từ 2,7-3,5 USD/kg phi lê. Trong khi giá cá trong nước hồi đầu năm tăng đến 17.000đ/kg, sau đó giảm lại và hiện nay từ 13.000-14.000 đồng/kg, với giá này doanh nghiệp và người nuôi có lời. PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng: “Giá trị xuất khẩu cá tra, ba sa đang tăng tới 41%, một con số hết sức lý tưởng. Nếu không có gì thay đổi thì năm nay riêng mặt hàng cá tra, ba sa đạt 1 tỷ USD là chuyện nhỏ”.
Còn nhiều lo toan!
Trở ngại không nhỏ hiện nay là nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu hoạt động, ảnh hưởng tiến độ xuất khẩu. Tại Cà Mau, 27 nhà máy chế biến thủy sản chỉ chạy khoảng 50%-60% công suất. Theo VASEP, nhiều nhà máy thủy sản ở miền Trung, miền Bắc công suất hoạt động còn thấp hơn, có nơi chỉ 30%-40%. Nguyên nhân do các nhà máy mới ra đời tăng cao vượt sản lượng nuôi trồng nên dẫn tới không đủ nguyên liệu hoạt động.
Tình trạng phân bổ thời vụ giữa các địa phương không hợp lý, khi dư thừa lúc thiếu hụt gây khó khăn việc chế biến xuất khẩu. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho rằng: “Nên nhập tôm nguyên liệu từ nước ngoài về để nhà máy duy trì hoạt động xuyên suốt, vừa giữ khách hàng- tăng giá trị xuất khẩu và ổn định việc làm cho công nhân”. PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng nói: “Chẳng những nhập tôm mà chúng tôi đề xuất Chính phủ cho phép nhập thêm các mặt hàng thủy sản khác, để các nhà máy tăng công suất hoạt động. Nhập nguyên liệu hoàn toàn có lợi, vừa giảm tình trạng nuôi tràn lan ô nhiễm môi trường, giảm khai thác kiểu hủy diệt… Trên thế giới, Thái Lan, Trung Quốc đã từng làm”.
Cùng với việc thiếu nguyên liệu thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là cản ngại không nhỏ. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương cho rằng, hàng rào kỹ thuật ngày càng gắt gao. Các nước kiểm dịch chặt chẽ và ban hành những tiêu chuẩn mới thường xuyên, nếu lơ là sẽ “vướng” ngay. Mới đây, Đoàn Thanh tra EU sang Việt Nam kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản ở Cà Mau, Nha Trang… Xem xét hệ thống nuôi trồng, thu mua và chế biến tại các nhà máy…
Mặc dù, Đoàn thanh tra EU đánh giá cao sự nỗ lực kiểm soát an toàn vệ sinh, đáp ứng tốt quy định của EU, tuy nhiên, điều kiện vệ sinh tại các nhà máy sản xuất nước đá, tàu cá, cảng cá… chưa tốt. Theo Thứ trưởng Lương Lê Phương, vấn đề này sẽ nhanh chóng chấn chỉnh, tăng cường kiểm soát chặt nguồn thủy sản trước khi chế biến. Các doanh nghiệp, thương lái, người nuôi, nhà quản lý… phối hợp tốt với nhau để nâng cao chất lượng thủy sản. Bộ NN- PTNT sẵn sàng hợp tác với các đơn vị thuộc Ủy ban châu Âu trong việc đào tạo cán bộ kiểm soát chất lượng thủy sản. Mới đây, EU chọn Việt Nam để phổ biến bộ luật mới cho các nước trong khu vực, điều này cho thấy EU rất quan tâm và đặt niềm tin đối với thủy sản Việt Nam.
Theo Bộ NN - PTNT, chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản 3,6 tỷ USD nhiều khả năng đạt được nhưng không thể chủ quan bởi yêu cầu chất lượng ngày càng cao. Mặt khác sự cạnh tranh xuất khẩu trên thế giới đang quyết liệt, trong đó có các nước khu vực như Thái Lan, Indonesia… không thể xem thường. Dự kiến, năm 2008 sẽ nâng chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản lên 4 tỷ USD. Đây là con số của năm 2010, tuy nhiên Chính phủ yêu cầu xuất khẩu thủy sản phấn đấu về đích sớm 2 năm.