Rớt giá, vải quay đầu
Ở dốc Tịnh Tạm (thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn), đến Thâm Kéo (huyện Văn Lãng), hàng chục xe ô tô trọng tải lớn chở hàng trăm tấn vải khô đến các vựa. Thương nhân Trung Quốc trực tiếp chọn hàng, trả giá. Vải thiều sấy khô là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của người dân nơi đây, vào đầu tháng 7, ở khu vực dốc Tịnh Tạm có gần 30 vựa (kho hàng), mở cửa cho các khách buôn các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tây mang hàng đến, ký gửi.
Bà Đinh Thị Động (chủ buôn vải, người Hải Dương), cho biết: Hai năm trở lại đây khách Trung Quốc yêu cầu xem hàng tại Lạng Sơn, nếu đạt yêu cầu mới cho đóng hộp xuất khẩu. Đầu vụ, giá vải có giá 10 Nhân dân tệ/kg (tương đương 27 ngàn đồng), nhưng càng về sau, càng rớt giá, xuống còn 4-5 NDT/kg.
Ông Lê Văn Hải (trú ở Yên Thế, Bắc Giang) cho biết, gia đình có trên 2 ha vải, đã bán được trên 7 tấn vải, những ngày đầu còn hào hứng mang hàng lên biên giới, sau giá vải rẻ quá, lỗ nặng, nhiều chuyến, ông phải chở vải quay đầu về quê, chấp nhận thua thiệt.
Bị quỵt tiền
Nhiều chủ vựa ở Tịnh Tạm cho biết, hầu như năm nào cũng bị ép giá, và điều tiếtnơi xuất khẩu hàng hóa. Từ dốc Tịnh Tạm tới cửa khẩu Cốc Nam (Tân Mỹ, Văn Lãng) có vài trăm mét, song phía Trung Quốc không cho xuất qua các cửa khẩu này. Vài năm trở lại đây, vải khô phải vượt qua trên 100 km, từ tổng kho Tịnh Tạm đi tới các cửa khẩu ở tỉnh Cao Bằng, Tràng Định (Lạng Sơn). Đường dốc cheo leo, khó đi, có xe đã lăn xuống vực.
Bà Đinh Thị Động cho biết, việc giao thương với khách Trung Quốc rất mạo hiểm, người mua không trả tiền ngay, mà ký sổ nợ, giao hẹn sang ngân hàng Trung Quốc hoặc một địa điểm sát đường biên trả tiền.
Thường thì vài tuần, có khi hàng tháng mới lấy được tiền, nhiều người bị quỵt, không biết chủ nợ ở đâu để đòi, như bà Động đã 6 lần bị khách lặn mất tăm với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. “Nếu không cho họ nợ, hàng không bán được, cũng chết, nên đành nhắm mắt làm liều” - bà Động nói.
Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn, ông Hoàng Khánh Hòa, cho biết: Năm nay dốc Tịnh Tạm sôi động trở lại, sau hai năm khá yên ắng. Ngành Hải quan tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, bà con xuất khẩu vải khô. Tuy nhiên, do tập quán làm ăn nhỏ lẻ, thiếu cơ sở pháp lý, nên dân ta chịu nhiều thua thiệt ngay trên đất mình.