Xúc tiến tiêu thụ nông sản từ triển lãm, hội chợ
Được đăng : 03/11/2016
Theo Tiến sĩ Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, năm 2006, Trung tâm dành kinh phí khoảng ba tỷ đồng để khuyến khích các địa phương, đơn vị tổ chức hoạt động triển lãm, hội chợ.
Kết quả của một số hội chợ, triển lãm cho thấy, đây là hướng đi đúng để ngành nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản hàng hóa...
Từ phiên chợ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Trung tuần tháng 10-2006, tại thị xã Sơn La, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp UBND tỉnh Sơn La tổ chức khai mạc Phiên chợ nông nghiệp Tây Bắc 2006. Theo Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Sơn La Vũ Bích Dương, đây là lần đầu tỉnh tổ chức sự kiện này. Trong những năm qua, nhờ tập trung đầu tư, hỗ trợ nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số đưa các loại giống cây, con mới vào nuôi, trồng, khối lượng nông sản hàng hóa của tỉnh ngày một tăng, cả về lượng và chất. Chính vì vậy, Ban tổ chức phiên chợ hy vọng sẽ mở ra hướng đi để tỉnh Sơn La nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung thúc đẩy các hình thức tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Hội chợ thu hút 78 đơn vị, cá nhân tham gia với tổng cộng 80 gian hàng. Sản phẩm trưng bày khá phong phú, từ các mặt hàng nông sản thông dụng như gạo nương, gạo chất lượng cao, các loại trái cây, rau sạch cho đến những mặt hàng đặc sản của các địa phương như măng bột Quỳnh Nhai (Sơn La), nhím (Sơn La), cà-phê Catimo, chè shan, chè đắng Cao Bằng. Các doanh nghiệp cung ứng giống cũng mang đến nhiều mặt hàng mới như ngô lai, ngô ngoại, lúa đặc sản, hạt giống rau nhập nội các loại. Nhìn chung, Phiên chợ đã thể hiện diện mạo phong phú, đặc trưng của nông, lâm sản vùng Tây Bắc.
Ngay trong phiên khai mạc, Ban tổ chức thống kê có khoảng 3.000 người dân đến tham quan, mua sắm nông sản và các loại cây con giống, trong đó, có 400 nông dân từ các tỉnh trong vùng, được Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ một phần chi phí đi tham quan hội chợ.
Anh Mai Ðức Thịnh, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp 19-5 ở Mộc Châu, chủ gian hàng bán các loại sản phẩm rau, củ, quả cho biết: Dù công việc rất bận, và mới nhận được thông tin, nhưng, HTX đã kịp mang đến phiên chợ 12 sản phẩm bí ngồi, cà chua ngọt, cà chua Ðức, dâu tây, xà lách tím... HTX 19-5 mới thành lập từ năm 2000, có 45 xã viên, chủ yếu góp vốn để sản xuất những giống cây mới nhập nội. Anh hy vọng có nhiều hơn những phiên chợ thế này để nhiều người biết đến sản phẩm của HTX hơn.
Tại gian hàng bán hạt giống của Công ty Sygenta, anh Nguyễn Danh Nhân, nhân viên trông gian hàng cho biết, công ty rất tích cực tham gia những phiên chợ như thế này và thông qua đó, rất nhiều tỉnh miền núi đã ký hợp đồng cung ứng giống, nhất là các giống ngô, rau ngoại.
Lẫn trong dòng người xúm xít vây quanh các gian hàng, chị Nguyễn Thị Lan ở bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thị xã Sơn La địu con nhỏ, đứng thật lâu trước một gian hàng bán ngô giống. Chị bảo: Nhà nhiều ruộng, phải trồng giống mới, bắp to, nhiều hạt thì mới kiếm được nhiều tiền. Còn anh Lù Văn Phát thuộc khu tái định cư thủy điện Sơn La ở bản Co Hả, xã Chiềng Bằng, Quỳnh Nhai thì lúi húi ghi chép các thông số liên quan cách nuôi nhím. Anh Phát dự định mua thử vài đôi nhím giống về nuôi cho cả khu tái định cư học theo.
Tại phiên chợ, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng tự nguyện tư vấn cho tập thể, cá nhân, thông qua hình thức trao đổi trực tiếp về định hướng trồng loại cây, nuôi loại con gì phù hợp thị trường tiêu thụ và điều kiện nuôi, trồng của đồng bào.
Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia Tống Khiêm cho biết, số vốn Trung tâm hỗ trợ cho phiên chợ rất nhỏ (chỉ khoảng 200 triệu đồng) nhưng hình thức phổ biến kiến thức cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua những phiên chợ thế này đạt hiệu quả cao hơn là tổ chức hội nghị, hội thảo. Thành công của phiên chợ lần này sẽ mở hướng để các vùng sinh thái của nước ta tổ chức các phiên chợ tương tự.
... đến phiên chợ chuyên ngành
Cuối tháng 10, tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia mở phiên chợ giống bò lần thứ nhất tại xã Cao Ðại, huyện Vĩnh Tường. Ðây cũng là phiên chợ giống bò đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng cho biết: "Chúng tôi tổ chức phiên chợ đầu mối này nhằm xúc tiến việc tiêu thụ đàn trâu bò giống và thịt cho nông dân. Tại phiên chợ các thương lái và hộ chăn nuôi có thể mua được số lượng lớn tại chợ, bảo đảm chất lượng và giá cả phù hợp. Thông qua phiên chợ giống bò, công tác tiêm phòng và kiểm dịch cũng được đẩy mạnh. Trước mắt, phiên chợ sẽ tổ chức vào ngày mùng 5 và 20 âm lịch hằng tháng". Tại phiên chợ hơn 100 hộ nông dân ở các xã của huyện Vĩnh Tường và các huyện lân cận mang bò tới bán. Ðến khoảng 11 giờ trưa, theo Ban tổ chức đã tiêu thụ được hơn 30 con bò giống và bò thịt.
Hiện nay, Vĩnh Phúc là một trong mười tỉnh có tổng đàn bò lớn nhất cả nước, với tổng số 177,8 nghìn con, trong đó huyện Vĩnh Tường có 32.472 con bò. Việc tổ chức Phiên chợ giống bò sẽ giúp Vĩnh Phúc mà cả tỉnh lân cận có điểm đầu mối tiêu thụ và giao dịch bò giống, thúc đẩy chăn nuôi bò thịt phát triển.
Cần lắm những hội chợ nông nghiệp
Gần đây nhất, đầu tháng 12-2006, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức hội chợ rau, hoa, quả chất lượng cao và triển lãm ngành nghề nông thôn năm 2006. Hội chợ thu hút hàng trăm đơn vị là doanh nghiệp, HTX đơn vị quản lý tham gia, với tổng cộng 175 gian hàng, trong đó 103 gian hàng rau, hoa, quả chất lượng cao. Chi phí mà Nhà nước đầu tư cho hội chợ chỉ vào khoảng 450 triệu đồng, nhưng hiệu quả thu được khá bất ngờ. Theo đồng chí Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thì ngay trong phiên khai mạc đã thu hút chừng 1.500 nông dân từ Hà Nội và các tỉnh lân cận tham gia. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp và nông dân đã có hợp đồng mua bán, cung ứng hàng hóa. Các doanh nghiệp, đơn vị quản lý coi đây là dịp quảng bá sản phẩm của mình, còn người dân cũng không mất nhiều công sức để tiếp cận và tìm hiểu công nghệ, giống mới trên thị trường. Riêng với Hà Nội, đây là dịp để các huyện ngoại thành quảng bá cho mặt hàng rau an toàn, hiện đã có gần 3.000 ha ở gần 300 HTX ngoại thành tham gia sản xuất.
Theo Tiến sĩ Tống Khiêm, trong bối cảnh nước ta vừa gia nhập WTO, hoạt động hội chợ, triển lãm cần được các địa phương coi là biện pháp quan trọng để tăng cường xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường. Thành công của những hội chợ, phiên chợ năm 2006 sẽ tạo tiền đề để Trung tâm Khuyến nông quốc gia tăng cường đầu tư hoạt động trong những năm tới.