00:00 Số lượt truy cập: 2663050

Xung quanh việc thương nhân TQ thu gom nông sản: Đối sách? 

Được đăng : 03/11/2016

Những chiêu thu mua hàng "độc" của thương nhân Trung Quốc (TQ) thời gian qua là bài học lớn đối với chúng ta. Để tránh bị động và phải ngậm "quả đắng", đã đến lúc các DN Việt Nam cần thay đổi chiến lược thu mua nguyên liệu và tư duy làm ăn, liên kết chặt chẽ với nông dân trên cơ sở hai bên cùng có lợi.


Phải liên kết với nhà nông

Trước sự "đổ bộ" của thương nhân Trung Quốc tại các vùng nguyên liệu nông sản, không còn cách nào khác, các DN phải biết chia sẻ những khó khăn và lợi ích của mình với nông dân bằng cách đồng hành cùng họ; phải đảm bảo giá cả thu mua ngay từ đầu vụ để bà con yên tâm mở rộng sản xuất, đồng thời hỗ trợ họ về kỹ thuật, con giống, thậm chí vốn liếng... Đây không còn là trách nhiệm mà là xu hướng tất yếu để nông dân và DN cùng có lợi.

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân (quận Bình Chánh - TP. Hồ Chí Minh) đang rất đau đầu vì tình trạng thương nhân Trung Quốc mua cả vịt đẻ, thuê giết mổ rồi vận chuyển về nước để chế biến vịt quay, đẩy giá vịt đẻ thải loại từ 60.000 đồng/con lên 120.000 đồng/con. Người nuôi vịt đẻ trên địa bàn đã tranh thủ bán tháo đàn dù chưa tới thời kỳ thải loại, khiến nguồn cung trứng vịt bị thiếu hụt, buộc Công ty TNHH Ba Huân phải chuẩn bị một kế hoạch mang tính dài hơi, đó là thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân trong chăn nuôi gia cầm như: cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật xây dựng chuồng trại, bao tiêu sản phẩm... theo hướng khép kín.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia kinh tế cao cấp, kiêm tư vấn chính sách của Viện Nghiên cứu Thương mại, không chỉ DN và nông dân thiếu sự gắn kết mà từ trước đến nay, sự phối hợp giữa các bộ, ngành của ta cũng chưa tốt, dẫn đến không quản lý, không thống kê được lượng hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng xuất sang TQ. Lợi ích quốc gia của chúng ta chưa được đặt lên hàng đầu mà mới chỉ quan tâm đến lợi ích của một nhóm nào đó. Hậu quả là nhiều loại nông sản của ta xuất sang TQ rơi vào tình trạng không thể quản lý nổi. Cuối cùng thiệt hại vẫn là chúng ta - DN và nông dân.

"Để khắc phục, chúng ta phải tổ chức buôn bán nông sản một cách bài bản sang TQ. Xuất khẩu phải đi vào chính ngạch, ký hợp đồng rõ ràng. Phải sớm có chiến lược bài bản để xuất khẩu sang TQ. Cả thế giới hiện sợ thị trường này và cũng đang lợi dụng thị trường này. Do vậy, chúng ta phải làm thế nào để hạn chế được nguy cơ, đồng thời tận dụng sức tiêu thụ của TQ. Chiến lược này phải được thống nhất từ cấp Trung ương đến địa phương và đến được với người nông dân. Lúc đó, chúng ta mới có thể phát huy những thế mạnh và làm chủ được thị trường trong buôn bán với TQ", ông Thắng nói.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, các DN Việt Nam cần biến thế mạnh từ nông sản trong nước thành những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới để thu lợi nhuận, thay vì cứ mãi cố tìm cách vắt kiệt sức nông dân hay tài sản quốc gia bằng cách xuất khẩu nguyên liệu thô. Làm được điều này, các DN Việt Nam mới chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng và không bị thua ngay trên sân nhà.

Cần xây dựng hàng rào thuế quan chặt chẽ

Bà Trần Thị Miêng, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông - lâm - sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, tại thời điểm này, DN nước ngoài đang có lợi thế về tài chính nên các DN Việt Nam phải chịu thiệt thòi là đúng. Thế mạnh của DN Việt Nam là có mối quan hệ truyền thống, sự hiểu biết về văn hoá nên phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau để có xử thế phù hợp.

Không phải đến bây giờ thương nhân TQ mới "đổ bộ" vào Việt Nam để thu gom nông sản mà thực tế này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Hàng họ mua cũng là có chọn lọc chứ không phải bất cứ mặt hàng nào cũng thu gom, và họ tổ chức hệ thống đại lý nhỏ rất giỏi, còn DN Việt Nam thì lại quá yếu trong khâu này, khiến hàng nông sản ra thị trường phải qua không biết bao nhiêu tầng nấc, trung gian. Tuy nhiên, điều đáng nói là TQ chưa bao giờ ký nghị định thư với Việt Nam mà chỉ thích mua nông sản theo đường tiểu ngạch. Trong khi đó, chúng ta lại chưa bao giờ đưa ra chiến lược để thích ứng với điều này.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng: "Vấn đề mà nhiều người quan tâm khi giao dịch với TQ hiện nay là họ mua bán rất thất thường; có khi họ đặt hàng nông dân mua số lượng lớn nhưng rồi không quay lại nhận hàng, trả tiền. Theo tôi, các cơ quan quản lý nên tùy tình hình mà đưa ra các hàng rào kỹ thuật. Ví dụ, chúng ta có thể đánh thuế xuất khẩu cao với các mặt hàng mà trong nước đang hạn chế xuất khẩu".

Đồng quan điểm với ông Lịch, GS.TS. Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhận định, trong làm ăn với Việt Nam, TQ luôn có những chính sách căn cơ, lâu dài chứ không đơn giản, ăn xổi ở thì như nhiều người nghĩ. Hiện, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên đối với các thương nhân nước ngoài làm ăn đứng đắn thì chúng ta không cấm, nhưng phải yêu cầu họ đóng thuế theo quy định. Và muốn làm ăn lâu dài, Nhà nước phải yêu cầu TQ ký nghị định thư cam kết mua mặt hàng nông sản của Việt Nam qua các năm như các nước đã làm.

Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra việc thương nhân TQ luôn trả giá cao vì họ không đóng thuế. Còn DN Việt Nam khi mua bán đều phải đăng ký với chính quyền sở tại và nộp thuế. Việc không đóng thuế tạo cơ hội cho thương nhân TQ khống chế thị trường và có quyền quyết định giá mua bán.

Chính việc giao dịch không thông qua đường chính ngạch đã khiến nông sản Việt Nam khó kiểm soát về số lượng xuất khẩu. Trên thực tế, TQ đã thu mua của Việt Nam bao nhiêu tôm, thịt lợn, trứng... không cơ quan nào nắm được, không doanh nghiệp nào biết, Việt Nam đang ở thế bị động trong việc kiểm soát hàng hoá xuất tiểu ngạch sang quốc gia chung đường biên mậu này.

Bà Lan nói: "Đứng trước thực trạng trên, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam là người có lỗi, bởi không thể định hướng thị trường cũng như tìm hiểu về thị trường TQ để phổ biến tới người nông dân. Có điều này là do từ trước đến nay sự phối hợp giữa các bộ, ngành không tốt".

Theo bà Lan, trách nhiệm này thuộc về Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công an và Hải quan. Các cơ quan này cần đưa ra một khuôn khổ pháp lý, quy chế về quản lý kinh doanh, hướng dẫn địa phương trong việc kiểm soát và ngăn chặn tình trạng nêu trên. Những mặt hàng mang tính chất mùa vụ như vải, một năm chỉ tập trung thu hoạch dồn dập một vài tuần ở thì chính quyền địa phương không thể không biết.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xuất hiện các nhóm thương lái người Trung Quốc đến thu gom các loại mủ cao su. Điều đáng nói tình trạng trên đã làm gia tăng hiện tượng pha trộn tạp chất vào mủ cao su.

Khác với các doanh nghiệp trong nước, thương lái TQ không "kén cá chọn canh" mà sẵn sàng mua tất tần tật các loại mủ, bất chấp thương hiệu và chất lượng. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu đã có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực biên giới với mục đích mua nông sản, các loại động vật quý hiếm, gỗ.