00:00 Số lượt truy cập: 2670096

Ý nghĩa của việc luân canh cây trồng 

Được đăng : 03/11/2016

1. Tạo điều kiện tăng năng suất cây trồng một cách toàn diện và liên tục

Chế độ luân canh tăng vụ hợp lý đòi hỏi cơ cấu cây trồng ở vùng đó được bố trí rất thích hợp, tuần tự luân phiên ăn khớp giữa cây trồng trước và cây trồng sau, tạo nên mối quan hệ hữu cơ, phát huy sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các loại cây trồng, tạo điều kiện tăng năng suất đồng thời các loại cây trồng trong vùng. Do đó thành phần cây trồng và sự bố trí địa bàn từng loại cây thích hợp, làm cho đất càng trồng càng tốt, năng suất cây trồng sẽ tăng lên liên tục.


2. Cải tạo và bồi dưỡng đất

Mỗi loại cây trồng yêu cầu một số chất dinh dưỡng nhất định và có một số đặc tính thực vật riêng biệt cho nên chỉ có thể hút được chất dinh dưỡng ở một độ sâu nhất định.

Ví dụ: cây hoa màu lương thực ngắn ngày thường bộ rễ chỉ phân bố chủ yếu ở độ sâu từ 0-20cm. Nếu trồng mãi một loại cây nào đó trên một chân đất, sẽ làm cho chất dinh dưỡng cây đó ưa thích nghèo đi.

Ví dụ: nếu trồng mãi cây họ đậu, làm cho đất nghèo CaO; trồng mãi cây ăn củ làm cho đất nghèo kali; trồng mãi cây ăn rau lá làm cho đất nghèo đạm… Trong lúc đó những loại cây họ đậu rễ ăn sâu, có khả năng đồng hóa được những chất khó tan, đặc biệt là những dạng lân khó tiêu. Nếu được luân canh sẽ làm cho đất thêm sâu tầng canh tác, thêm phong phú các chất dinh dưỡng, khắc phục được sự  mất cân đối một số chất dinh dưỡng do chế độ độc canh gây ra.

3. Góp phần phòng trừ sâu bệnh và cỏ dại

- Mỗi loại sâu bệnh đều dựa vào một số ký chủ (cây trồng) chủ yếu. Vì vậy nếu độc canh là tạo điều kiện cho sâu bệnh lây lan và phát triển.

Ví dụ: cây họ cà (khoai tây, cà chua, thuốc lá, cà bát…) bị bệnh sương mai phá hoại nặng. bào tử nấm tồn tại trong đất thời gian dài 3 năm hoặc hơn. Nếu luân canh với cây lúa nước có tác dụng tốt về mặt phòng ngừa sâu bệnh của hai loại cây, ngoài ra còn giảm một số bệnh lý của lúa như nghẹt rễ, yếm khí… Hoặc đối với lúa bệnh đạo ôn, tiêm lửa và sâu phát triển mạnh, nhưng nếu luân canh với cây trồng cạn như các loại rau màu, thì các loại sâu bệnh sẽ hạn chế ở vụ sau.

Mỗi loại cỏ dại phát triển ở những chân đất nhất định, nếu luân canh cây trồng sẽ hạn chế sự phát triển của cỏ dại.

Ví dụ: cỏ tranh, cỏ gấu có sức sinh sản rất nhanh tưởng chừng khó mà tiêu diệt được chúng, nhưng khi luân canh với cây hàng hẹp, cây che bóng hoặc cây trồng nước như lúa thì lập tức bị tiêu diệt. Ngược lại cỏ lồng vực sinh sản trong ruộng lúa, hút hết chất dinh dưỡng của lúa, nhưng khi luân canh với cây trồng cạn thì cỏ lồng vực bị hạn chế rất nhiều.

4. Điều hòa được lao động, sức kéo và các vật tư kỹ thuật khác

Sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ, khó khăn nhất là lúc thu hoạch vụ trước lại phải chuẩn bị để gieo trồng vụ sau rất khẩn trương. Vì vậy nếu có một công thức luân canh hợp lý thì sẽ giảm bớt căng thẳng về lao động trong thời vụ gieo cấy, gặt hái và sẽ giải quyết được sức kéo, phân bón.

5. Tạo cơ sở vật chất để thay đổi cơ cấu của sản xuất nông  nghiệp, đồng thời tạo điều kiện phát triển nghề trồng rừng, nghề phụ

Chế độ luân canh làm cho ngành trồng trọt đi vào công việc tổ chức sản xuất tại đồng ruộng, kết hợp cả hai mặt kinh tế và kỹ thuật. Đối với nghề nuôi cá, một số vùng đã sử dụng những cánh đồng trũng vào việc nuôi cá một vụ cấy lúa một vụ.

Một số vùng chuyển ruộng một vụ lúa trồng một số cây trồng khác như: Vùng nước mặn trồng một vụ lúa chuyển sang trồng cói, vì vậy đã thúc đẩy nghề dệt chiếu, đan giỏ và làm cói phát triển. Những vùng ruộng cạn trồng cây thuốc như hương nhu, bạc hà… vì vậy đã hình thành nghề phụ cất tinh dầu. Tổ chức trồng dâu nuôi tằm đã làm cho nghề ươm tơ dệt lụa phát triển. Tổ chức chế độ luân canh với trồng cây chắn gió, chắn cát, chống phát tán của hạt cỏ dại, giữ độ ẩm cho đất, vì vậy việc trồng cây lâm nghiệp được tăng cường trong nông thôn.

Do chế độ luân canh tăng vụ được cải tiến đã thúc đẩy sự phát triển của ngành trồng trọt và các ngành khác như: chăn nuôi, nghề phụ, trồng cây gây rừng…