00:00 Số lượt truy cập: 2999705

Yên Bái: Có nên giao mặt nước hồ cho ngư dân? 

Được đăng : 03/11/2016

Nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng với nhiều giống loài quý hiếm như: ba ba gai, cá Anh vũ, cá chiên, cá lăng... Tiềm năng là vậy nhưng chăn nuôi thủy sản vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế.


Một góc khu vực nuôi cá nheo của anh Trần Văn Bình, xã Vũ Linh.

Là tỉnh miền núi nhưng Yên Bái có trên 32 ngàn ha mặt nước, trong đó, 26 ngàn ha mặt nước có điều kiện để khai thác, nuôi trồng thủy sản và 5 ngàn ha đủ điều kiện thâm canh với năng suất cao. Nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng với nhiều giống loài quý hiếm như: ba ba gai, cá Anh vũ, cá chiên, cá lăng... Tiềm năng là vậy nhưng chăn nuôi thủy sản vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế đó nếu như không muốn nói là tụt hậu. Vậy đâu là nguyên nhân?

Như chúng ta đã biết, trong những năm cuối thập niên 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Nhà máy Thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành  điện miền Bắc Việt Nam đã được xây dựng và đi vào sử dụng. Công trình này không chỉ có nhiệm vụ phát điện mà còn có nhiệm vụ cắt lũ cho vùng hạ lưu, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Phát huy lợi thế đó, tỉnh đã đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản rất hiệu quả, chỉ riêng lượng thủy sản đánh bắt hàng năm đã cung cấp đủ cho người dân trong tỉnh. Do những năm đầu mới được xây dựng, lượng phù du và các sinh vật phong phú cùng với sự đầu tư quản lý chặt chẽ của Nhà nước, khai thác và đánh bắt tuân thủ theo các quy trình nghiêm ngặt nên cá, tôm trong hồ dồi dào, phong phú. Có những mẻ lưới của đội cá Quốc doanh Thủy sản bắt được 30 - 40 tấn cá với đầy đủ các loại, các loài. Bình quân, mỗi năm sản lượng cá đánh bắt trên hồ đạt 10-11 ngàn tấn, đáp ứng nhu cầu cho người dân trong tỉnh. Cứ như vậy, nhiều năm liền vừa đánh bắt, vừa bổ sung tôm cá cho hồ mà nguồn lợi thủy sản ngày một nhiều.

Tuy nhiên, từ khi xoá bỏ cơ chế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường, công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, đánh bắt và bổ sung nguồn lợi thủy sản cho hồ ngày một sa sút. Hàng năm, tỉnh vẫn đầu tư bổ sung nguồn lợi thủy sản cho hồ, song công tác quản lý, đánh bắt không chặt chẽ. Lúc đầu còn đánh bắt bằng lưới, bằng câu, sau chuyển sang dùng mìn để đánh, rồi dùng cả máy xung điện. Dẫu cho hàng năm bằng nguồn vốn ngân sách, Yên Bái vẫn thả hàng tỷ đồng tiền cá giống xuống hồ và giao cho Công ty Thủy sản, nay là Chi cục Thủy sản quản lý nhưng hồ thì rộng lớn, nguồn nhân lực, phương tiện tuần tra kiểm soát có hạn không thể quản lý hiệu quả.

Tuy chưa có một thống kế cụ thể nào nhưng theo ước tính của các nhà chuyên môn thì sản lượng đánh bắt thủy sản mỗi năm của hồ Thác Bà giờ chỉ đạt trên dưới 2 ngàn tấn, nguồn lợi thuỷ sản đã và đang cạn kiệt bởi cách đánh bắt của người dân.

Một vấn đề nữa là mặt nước hồ tuy rộng lớn, nhiều hộ dân ven hồ đã có thâm niên trong đánh bắt thủy sản nhưng thủy sản đã cạn kiệt nay muốn nuôi trồng thủy sản cũng không được vì không có mặt nước. Bởi lẽ hiện nay chức năng quản lý nuôi trồng, phát triển thủy sản trên hồ là Chi cục Thủy sản, quản lý Nhà nước thuộc về các cấp chính quyền và Nhà máy Thủy điện Thác Bà.

Để phát huy tốt tiềm năng mặt nước trên hồ Thác Bà, nhiều ý kiến cho rằng nên giao diện tích mặt nước nhất định cho ngư dân, doanh nghiệp quản lý, bảo vệ và nuôi trồng thủy sản. Nếu không cứ như hiện nay một mình Chi cục Thủy sản cũng không đủ sức, đủ lực để quản lý, khai thác và phát triển nguồn lợi, do đó, chúng ta cần “xã hội hoá” công tác quản lý, bảo vệ và nuôi trồng thủy sản.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về phong trào chăn nuôi thủy sản trên hồ Thác Bà, ông Trắng Văn Tươi - Trưởng phòng Kỹ thuật, kế hoạch thuộc Chi cục Thủy sản Yên Bái - một người rất tâm huyết với nghề chăn nuôi thủy sản hồ hởi đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi cá nheo với quy mô khá lớn trên hồ Thác Bà thuộc xã Vũ Linh, huyện Yên Bình.

 

Cán bộ Trại cá Đại Đồng (Chi cục Thủy sản Yên Bái) kiểm tra cá giống bố mẹ để sản xuất cá giống cung ứng cho nhân dân nuôi thương phẩm. (Ảnh: Trường Phong)

Men theo con đường mòn chừng gần 1km chúng tôi đến với “trang trại” nuôi cá của anh Trần Văn Bình. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn nằm trên một đảo nhỏ thơ mộng, xung quanh là những lồng cá lớn nhỏ nối đuôi nhau, anh Bình vui vẻ nói: “Trước đây tôi là “sát thủ” cá trên hồ Thác Bà, có những đêm một mình đánh được cả tạ cá, có những con cá măng, cá chép, cá trắm nặng cả chục kg. Ngày đó hồ Thác Bà nhiều cá lắm, thế nhưng khai thác đánh bắt mãi hồ cũng cạn kiệt, tôi bỏ nghề đi làm việc khác. Bẵng đi một thời gian trong một chuyến đi du lịch ở Quảng Ninh thấy người dân nuôi cá da trơn, đặc biệt cá nheo rất hiệu quả. Về nhà, thấy quê mình có cả vùng hồ Thác Bà rộng lớn, nước trong xanh sao mình không phát triển chăn nuôi thủy đặc sản mà cứ phải lang thang kiếm sống ở quê người? Nghĩ vậy, cuối năm 2009, đầu năm 2010, tôi đầu tư 300 trăm triệu đồng và đăng ký với Chi cục Thuỷ sản, “mượn” một số diện tích mặt nước hồ Thác Bà để làm lồng nuôi cá nheo. Do chưa có kinh nghiệm nên tôi chỉ nuôi có 10 lồng, mỗi lồng 150 con, không ngờ sau 5 tháng, cá sinh trưởng và phát triển tốt, bình quân 2kg/con, bán với giá 150 ngàn đồng/kg lãi 120 triệu đồng”.

Không dừng lại ở đó, đầu năm 2011, anh Bình đã được Chi cục Thủy sản và huyện Yên Bình giao cho quản lý, bảo vệ 50 ha mặt nước trên hồ Thác Bà, trong đó có 2 ha để chăn nuôi thủy sản. Được giao mặt nước ổn định anh Bình quyết định đầu tư mở rộng quy mô nuôi lên 36 lồng và mua 4 ngàn con cá giống về nuôi tiếp. Đưa chúng tôi đi thăm các lồng cá nheo, con nào cũng béo tròn nặng gần 1 kg, anh Bình quả quyết chỉ vài ba tháng nữa là cá cho thu hoạch, bán với giá hiện nay anh lãi không dưới 150 triệu đồng.

“Được Nhà nước giao cho quản lý bảo vệ và nuôi trồng ổn định chúng tôi rất phấn khởi, trong thời gian tới tôi vận động bà con trong thôn ra nhận mặt nước và nuôi trồng thủy sản. Nuôi thủy sản không khó mà hiệu quả kinh tế lại cao, nếu đầu tư tốt cùng với nắm bắt kỹ thuật tốt thì còn làm giàu được” -  Anh Bình khẳng định.

Rõ ràng giao mặt nước cho các ngư dân quản lý, bảo vệ khai thác và nuôi trồng thủy sản, người dân yên tâm đầu tư sẽ hiệu quả hơn. Thông qua mô hình chăn nuôi của anh Bình đã minh chứng cho một hướng đi mới mẻ trên vùng hồ Thác Bà. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần xem xét đánh giá và có hướng đi phù hợp để khai thác phát huy tiềm năng vùng hồ Thác Bà có hiệu quả.