Tiếp chúng tôi trong bầu không khí cởi mở và thân thiện, ông Trị tâm sự: do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình ông đã xoay sở nhiều thứ nghề, nhưng thu nhập không ổn định. Rồi được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông, ông đã đi thăm quan nhiều mô hình trang trại nuôi thỏ tại thành phố Yên Bái, xã Lương Thịnh, Trung tâm dê thỏ Ba Vì …; năm 2010 ông chuyển sang phát triển chăn nuôi thỏ ngoại sinh sản. Từ nguồn vốn tích cóp nhiều năm của gia đình, ông đầu tư 40 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua được 34 con thỏ cái sinh sản và 7 thỏ đực giống. Không ngờ sau nuôi thí điểm thấy thỏ đẻ nhanh dễ nuôi, có lãi cao, khiến ông và gia đình rất mừng.
Năm 2011 ông đã đầu tư mở rộng quy mô xây dựng 300m2 chuồng trại và 80 thỏ cái sinh sản, 14 thỏ đực giống. Lúc đó, cũng là lúc nhu cầu thức ăn phục vụ việc chăn nuôi thỏ ngày càng tăng, kinh nghiệm chăn nuôi còn thiếu, thỏ sinh ra chết nhiều tưởng trừng phải bỏ dở.
Thế rồi với sự quyết tâm, say mê với nghề nuôi thỏ, ông đã tìm đến những người có kinh nghiệm chăn nuôi thỏ, tìm hiểu thêm trên sách báo và mạng Internet để tìm ra các bí quyết để khắc phục, duy trì và phát triển thỏ.
Đến nay, tổng đàn thỏ của gia đình luôn duy trì ổn định từ 800 - 1000 con. Với giá bán 100.000 đồng/kg thỏ giống và 90.000 đồng/kg thỏ thịt, trung bình mỗi tháng sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng. Với thu nhập như vậy giúp ông có điều kiện nuôi các con ăn học, và mua sắm các tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt gia đình.
Ngoài việc phát triển chăn nuôi thỏ, ông Trị còn quy hoạch quỹ đất của gia đình thành từng vùng sản suất chuyên canh như: vùng sản xuất lúa 2 vụ - mỗi năm thu 2 tấn, đủ cung nguồn lương thực cho gia đình và chăn nuôi nhỏ trong năm. Ngoài ra, khu trồng cây cảnh khoảng 2000 m2; dưới tán cây ông trồng sắn để lấy nguồn thức ăn cho vật nuôi; khu chăn nuôi cá với 500 m2; khu phát triển chăn nuôi tổng hợp…mỗi năm trừ chi phí cũng cho thu nhập trên 20 triệu đồng.
Nhờ nghị lực và lòng quyết tâm cao mà giờ đây cuộc sống của gi đình ông đã được thay đổi rõ rệt, nhà cửa khang trang. Đặc biệt năm 2011 ông đầu tư gần 100 triệu đồng làm một con đường bằng bê tông rộng 3 m, dài trên 300 m, từ ngoài đường chính vào nhà để thuận lợi phát triển kinh tế gia đình.
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Trị có hiệu quả cao, xứng đáng để các cựu chiến binh, bà con xã Bảo Hưng và trong tỉnh học tập phát huy truyền thống của bộ đội Cụ Hồ. Hy vọng rằng nhiều đồng chí cựu chiến binh tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế làm giầu như gia đình ông Trị để góp phần xây dựng quê hương giầu mạnh./.