00:00 Số lượt truy cập: 2668917

Yên Khánh (Ninh Bình): Thành công từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi 

Được đăng : 03/11/2016

Vụ xuân năm 2016, toàn huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã chuyển đổi hơn 132 ha đất trồng lúa sang trồng cây có giá trị và nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi đã mang lại hiệu quả cao cho nông dân, giá trị kinh tế thu được cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.




Mô hình nuôi cá của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Liêm, xã Khánh Tiên (Yên Khánh). Ảnh: trần Đức

Đến nay, Yên Khánh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như tại xã Khánh Thành đã chuyển đổi hoàn toàn 21,5 ha đất trồng lúa sang cây trồng có giá trị kinh tế như: dưa chuột, bí xanh, cà chua, mướp đắng, ổi, chanh đào... và một phần diện tích nuôi trồng thủy sản; tại xã Khánh Vân đã thực hiện chuyển hơn 82 ha đất trồng lúa sang trồng cây thuốc lào... Các loại cây trồng được lựa chọn để canh tác trên những diện tích đất đã chuyển đổi là cây đặc sản, thuận lợi về đầu ra tiêu thụ sản phẩm hoặc được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chính vì lẽ đó mà xã Khánh Nhạc chuyển đổi sang trồng dưa lê, hành lá, dưa bao tử; xã Khánh Công chuyển sang trồng cây dược liệu và rau các loại; xã Khánh Trung chuyển đổi 2 ha sang trồng dưa Kim Hoàng hậu, dưa lê, măng tây... còn tại xã Khánh Mậu, diện tích chuyển đổi được sử dụng để trồng cải bó xôi và ngô ngọt. Theo đánh giá bước đầu, việc chuyển đổi sang cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Bên cạnh xã Khánh Thành được lựa chọn là xã thực hiện trước tái cơ cấu ngành nông nghiệp – đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, các địa phương khác của huyện Yên Khánh cũng đã đạt được những kết quả trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị canh tác.

Tại xã Khánh Thủy, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá trắm đen của gia đình anh Trần Thế Công. Gia đình anh cùng 6 hộ khác đã bàn bạc và quyết định chuyển đổi 14 ha sang nuôi cá. Anh Công cho biết, từ năm 2013, gia đình anh đã quyết định đào ao thả cá trắm đen. Tuy khoản đầu tư ban đầu cho việc chuyển đổi từ cấy lúa sang nuôi cá khá lớn, song doanh thu lại cao hơn rất nhiều.

Năm vừa qua, lứa cá gia đình xuất ra đã cho doanh thu trên 500 triệu đồng, tính sơ sơ phải gấp 40 lần so với trồng lúa. Nhận thấy tiềm năng phát triển lớn, gia đình anh Công đã thành lập công ty riêng để thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm cũng như hướng tới tạo ra một thương hiệu uy tín đảm bảo sự tin cậy cho khách hàng.

Được biết, bên cạnh mô hình trên, xã Khánh Thủy có một số hộ gia đình chăn nuôi lợn kết hợp với trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản cho thu nhập từ 700 - 800 triệu đồng mỗi năm.

Còn tại xã Khánh Nhạc, việc chuyển đổi đất hai lúa kém hiệu quả đã được chính quyền xã thực hiện kỹ lưỡng từng bước. Từ việc tổ chức xây dựng kênh mương phục vụ tưới tiêu, nhà tập kết nông sản, đường điện, hoàn thiện lò sấy nông sản tại trụ sở HTX nông nghiệp Hợp Tiến xã còn giao HTX Hợp Tiến thực hiện đề án “Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi đất 2 lúa hiệu quả thấp sang trồng cây rau màu gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”.

Được UBND xã tạo điều kiện cho thuê lại hơn 11 ha đất hai lúa của 71 hộ trên địa bàn, HTX nông nghiệp Hợp Tiến đã tiến hành khâu thử nghiệm, chuyển đổi 2 ha sang trồng cây rau màu với 5 loại cây trồng khác nhau. Hiện tại đang thực hiện luân canh với công thức: cà chua đông xuân, dưa lê hè thu, rau cải thu đông.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Toàn bộ diện tích trồng rau màu không làm biến dạng tầng canh tác của đất, có thể quay lại sản xuất lúa ngay khi cần thiết.

Hơn 9 ha còn lại, chúng tôi chuyển sản xuất lúa nếp Đài Loan, lúa Nhật xuất khẩu. Xét về hiệu quả kinh tế, với 2 ha trồng cây màu luân canh 3 vụ/năm đem lại thu nhập bình quân là 15 triệu đồng/sào/năm, tăng 12,4 triệu đồng so với sản xuất 2 vụ lúa Bắc Thơm của các khu đồng khác. Đối với diện tích trồng lúa nếp Đài Loan cho thu nhập 3,6 triệu đồng/sào/năm.

Với diện tích lớn cùng sự hợp tác chặt chẽ của các hộ trong nhóm, mô hình đã đưa cơ giới vào đa số các khâu sản xuất như gieo thẳng đối với lúa, máy bơm nước tưới tiêu, máy gặt đập liên hợp, sấy lúa, máy phun thuốc BVTV, máy làm đất tạo luống, máy bón phân... giảm chi phí công lao động, tăng hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh những thành công bước đầu huyện Yên Khánh vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế trong việc chuyển đổi đất hai lúa kém hiệu quả sang trồng cây, con cho giá trị kinh tế cao.

Trước hết, quy mô của các mô hình còn nhỏ, manh mún chưa theo quy hoạch, hầu hết là do tự phát. Việc bao tiêu sản phẩm cho người nông dân còn nhiều bất cập, số lượng các doanh nghiệp, đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn ít. Nhìn chung, các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nên sản phẩm sản xuất ra không ổn định.

Bên cạnh đó, chính sách về sử dụng đất đai hiện nay còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại địa phương còn thiếu kinh nghiệm nên chưa xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc ở cơ sở.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là thủy lợi, giao thông nội đồng chưa đồng bộ nên còn gặp khó khăn trong khâu điều tiết nước và đưa cơ giới vào sản xuất.

Thái Học