Hội Nghề cá Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phân tích những vô lý trong 19 tiêu chí của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên (WWF) khi đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ.
Hội Nghề cá đề nghị WWF có lời xin lỗi người nuôi cá tra Việt Nam.
Không đủ thông tin và sai bản chất
TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá, khẳng định như vậy. Theo ông Thắng, việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ là hoàn toàn thiếu căn cứ pháp lý. WWF đã không giải thích 19 câu hỏi này đã được xây dựng như thế nào? Lấy ý kiến những quốc gia hoặc tổ chức quốc tế nào? Riêng ở Việt Nam, Hội Nghề cá, các cơ quan quản lý nhà nước, và người nuôi không ai biết đến bộ câu hỏi này và ai ký ban hành?
Ngoài ra, WWF thiếu những chỉ tiêu cụ thể và không có nội dung hướng dẫn xử lý kết quả đánh giá, bởi lẽ, thông thường mỗi câu hỏi nêu trên cần phải có những chỉ tiêu cụ thể, kèm hướng dẫn cách thực hiện (ví dụ: Phải quan sát thực tế ở vị trí nào? nghiên cứu hồ sơ nào…) và hướng dẫn xử lý kết quả, mức đánh lỗi dựa trên những thông tin thu thập được. Trong tài liệu WWF gửi, ngoài 19 câu hỏi và 2 phụ lục hướng dẫn chung chung, thì hoàn toàn không có tài liệu nào khác.
Cũng theo Hội Nghề cá, phương pháp tiến hành thu thập thông tin và thông báo kết quả của WWF đánh giá không đảm bảo yêu cầu “công khai”. Tiêu chí gia nhập các tổ chức quốc tế đều quy định nguyên tắc “công khai”, “minh bạch”, nhưng WWF không hề thông báo cho WWF Việt Nam và Bộ NN-PTNT Việt Nam về tiêu chí đánh giá, không thông báo thời gian vào Việt Nam đánh giá. Dự thảo kết quả đánh giá lẽ ra phải gửi cho Bộ NN-PTNT và các đơn vị có liên quan của Việt Nam có ý kiến trước khi công bố, nhưng WWF đã không làm việc này.
“Tuy chỉ là một bản công bố của một tổ chức phi chính phủ, không có tính pháp lý nhưng việc WWF đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ cũng làm cho danh dự của nhà sản xuất kinh doanh (đặc biệt là người nuôi) cá tra Việt Nam bị bôi nhọ, lòng tự trọng của người làm thủy sản Việt Nam bị tổn thương. Giá và sản lượng cá tra XK của Việt Nam có thể bị giảm sút”, TS Nguyễn Việt Thắng.
Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên BCH Hội Nghề cá phân tích thêm, việc WWF xây dựng Bộ câu hỏi không phản ánh hết nội dung an toàn môi trường, an toàn bệnh dịch; thiếu hoàn toàn nội dung an toàn thực phẩm và chính sách xã hội. Người đánh giá không trực tiếp đến Việt Nam, mà chỉ dựa vào một bài báo và một công bố của Trường Đại học Wageningen Hà Lan năm 2009 là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Các tài liệu này cũng chưa được kiểm chứng về mức độ chính xác so với thực tế, lại được công bố năm 2009, có nghĩa rằng họ đã thu thập thông tin của năm 2009 và những năm trước đó (có thể là năm 2008 hoặc xa hơn), thế nhưng WWF lại dùng nó để đánh giá cho cá tra Việt Nam năm 2010.
“Căn cứ vào thông tin cá biệt, được thu thập ở tài liệu để áp đặt chung cho toàn bộ diện tích và sản lượng cá tra nuôi của Việt Nam là điều không thể chấp nhận và chưa từng thấy cơ quan quốc tế hoặc quốc gia nào làm như vậy”, ông Cương nói.
WWF phải xin lỗi
Năm 1995, FAO công bố tài liệu phát triển thủy sản bền vững (CoC), trong đó điều 9 quy định về nuôi thủy sản bền vững. So với CoC của FAO, Bộ tiêu chí gồm 19 câu hỏi của WWF chỉ tập trung vào một số khía cạnh như ảnh hưởng của việc nuôi cá đối với môi trường và dịch bệnh. Nếu coi đây là chuẩn mực để đánh giá thân thiện với môi trường là không đầy đủ và không thuyết phục.
Theo lẽ đó, WWF khi quy định về nuôi thủy sản bền vững không thể tự mình đặt ra những tiêu chí trái với CoC của FAO và không được phép đưa bộ tiêu chí của mình để áp đặt cho các quốc gia, sau đó tự mình công bố, bất chấp quy định quốc tế, quy định quốc gia và hậu quả.
Hội Nghề cá đề nghị, để giảm thiểu tác hại do việc làm của WWF gây ra đối với cá tra, đồng thời nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai, cần tiếp tục triển khai các biện pháp có hiệu quả để trong thời gian sớm nhất, tổ chức WWF thu hồi tài liệu, bài viết, website và các hình thức tuyên truyền khác có nội dung cá tra Việt Nam bị áp đặt nhãn đỏ, và có lời xin lỗi đối với Chính phủ và người nuôi cá Việt Nam.
Hơn nữa, các cơ quan chức năng của Việt Nam nên triển khai gấp việc đào tạo áp dụng quy chuẩn thực hành nuôi tốt. Thực hiện việc đánh giá công nhận VietGAP và công bố rộng rãi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền các nước NK, các nhà NK, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ trên thế giới được biết. Bài học rõ nhất từ Thái Lan, năm 2007 nước này đã công bố tại các hội thảo quốc tế đã cấp giấy chứng nhận đạt GAP cho trên 60% cơ sở nuôi tôm sú và không cho phép tồn tại bất cứ hình thức chứng nhận nào khác kiểu như SQF, SGS, Global GAP…
“Chúng ta cần xây dựng một cuốn băng video giới thiệu về nghề nuôi cá tra Việt Nam, và các đối tượng nuôi khác trên website của Bộ, các tổ chức Hiệp hội, và đại sứ Việt Nam tại nước ngoài”, ông Cương đề nghị.