00:00 Số lượt truy cập: 2987236

Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển nông nghiệp công nghệ cao 

Được đăng : 09/12/2021
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những trụ cột kinh tế, giúp địa phương duy trì và gia tăng tốc độ tăng trưởng với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

 

 

Sau 4 năm thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT)về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và xây dựng chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

BR-VT đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra bước tiến vượt bậc cả về năng suất và giá trị. Tỉnh đã ban hành quy định tiêu chí xét chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh; triển khai các thủ tục thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và quy hoạch phân khu chức năng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức; rà soát xây dựng quy chế phối hợp trong việc giao, cho thuê đất và lựa chọn doanh nghiệp tham gia vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo thống kê của Sở NN - PTNT, tính đến hết tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh có 439 cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi hiện có 119 trang trại chăn nuôi heo, gia cầm, đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chiếm 27,5% tổng đàn chăn nuôi gia cầm và 59,3% tổng đàn chăn nuôi heo. Lĩnh vực trồng trọt có 344 cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tăng 286 cơ sở so cùng kỳ, với diện tích 3.267 ha, tăng 541 ha so cùng kỳ. Trong lĩnh vực thủy sản, có 15 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 400 ha (tăng 50 ha so cùng kỳ).  Tỉnh cũng đã hình thành 4 vùng trồng và 1 vùng đóng gói được cấp mã số, với tổng diện tích là 284 ha, bao gồm 240 ha chuối và 44 ha nhãn.

Trong lĩnh vực trồng trọt, công nghệ áp dụng điển hình như nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh, theo dõi điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời trong trồng trọt… Trong lĩnh vực chăn nuôi, các công nghệ sử dụng gồm: trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại… .Trong lĩnh vực thủy sản, công nghệ áp dụng sản xuất như công nghệ nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, tuần hoàn nước, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 3 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2, 3-5 vụ/năm...

Tỉnh BR-VT đang phấn đấu đến năm 2030 tăng tổng sản phẩm sản xuất nông nghiệp và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên gấp 2,0 lần so với hiện nay; có 50% sản phẩm tiêu thụ thông qua hợp đồng; tỷ lệ nông sản của tỉnh đạt tiêu chuẩn thế giới ít nhất 50%.... Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đang tích cực triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã hình thành các mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các mô hình tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường công tác phòng trừ dịch hại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực đẩy mạnh cơ giới hóa, chế biến bảo quản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường bền vững

Bình Nguyên