Trả lời:
Trong trồng trọt các loại dưa, việc bấm ngọn, tỉa cành có tác dụng rất lớn trong việc tăng năng suất cây trồng.
Bấm ngọn giúp cây tập trung vào phát triển nhiều chồi nách và cho hoa, quả nhiều hơn.
Tỉa cành (nhánh): Tỉa bỏ các nhánh xấu, nhánh không cần thiết làm cho ruộng thông thoáng ít sâu bệnh, tăng khả năng quang hợp cho cây, tập trung chất dinh dưỡng nuôi nuôi quả tăng năng suất, chất lượng khi thu hoạch, giảm phân bón.
Tuy nhiên mỗi loại dưa có kỹ thuật bấm ngọn, tỉa cành khác nhau:
1. Dưa Kim cô nương. (Dưa lưới)
Dưa Kim Cô Nương là loại dưa mới được trồng ở Việt Nam, được nhiều người yêu thích, cho hiệu quả kinh tế cao, yêu cầu trồng đúng kỹ thuật, kết hợp bấm ngọn, tỉa cành đúng lúc đúng thời điểm sẽ đem lại lợi nhuận cao cho người trồng dưa.
Khi cây cao 30 – 40cm, có 4-5 lá thật, tiến hành buộc dây giữ cây vào giàn. Tiến hành bấm bỏ nhánh từ nách lá thứ nhất đến lá thứ 8; Từ lá thứ 9 – 13 để lại nhánh, quả sẽ để trên các nhánh này. Khi ngọn cao ngang dàn tiến hành bấm ngọn…
Khi cây ra hoa tiến hành thụ phấn nhanh,; khi thấy số quả trên cây đậu từ 3 – 5 quả thì cắt bỏ những quả không dị dạng, quả xấu… chỉ để lại trên cây 2 - 3 quả đẹp, tỉa bớt nhánh để dinh dưỡng tập trung nuôi quả.
Tỉa lá gốc tạo độ thông thoáng cho quả phát triển, hạn chế sâu, bệnh.
2. Dưa chuột.
Tỉa nhánh: Dưa chuột mọc nhiều nhánh, những nhánh phía trong luống không ra quả cần phải tỉa bỏ những nhánh phụ, để 4 - 6 nhánh trên một cây tới khi thân chính bò lên gần tới đỉnh giàn. Loại bỏ các nhánh phụ bắt đầu từ đốt thứ 10.Khi thấy thân đã đủ dài thì tiến hành bấm ngọn. Khi các nhánh hết quả, cây lại ra nhánh mới, tiến hành cắt bỏ nhá như trên chỉ để mỗi nhánh ra 2 nhánh mới. Tiếp tục như vậy đến khi cây già cỗi thì chấm dứt.
3. Dưa lê.
Khi trồng dưa lê có từ 5 đến 6 lá thật bấm ngọn giúp cây sớm đẻ nhiều nhánh ở nách lá và cho nhiều quả. Khi các nhánh cấp 2 phát triển được 5 đến 6 lá lại tiếp tục bấm ngọn như nhánh cấp 1, kết hợp thụ phấn cho hoa cái. Tiếp tục như vậy đến khi ruộng dưa già cỗi thì kết thúc. Nên chọn những quả dưa cân đối, khỏe mạnh để nuôi lớn, những quả dị tật, sâu bệnh ngắt bỏ để tập trung dinh dưỡng cho quả to, nâng cao năng suất chất lượng; không nên để nhiều quả trên một cây, nên để số lượng vừa phải; đồng thời bón phân cân đối để cây sinh trưởng và nuôi quả tốt.
T. Khuyên