Trả lời:
Hiện nay có nhiều mô hình chăn nuôi hươu sao mang lại hiệu quả kinh tế, trong quá trình nuôi hươu sao thường mắc một số bệnh thông thường như trên, cách phòng và điều trị như sau:
1. Bệnh chướng bụng đầy hơi.
Do hươu ăn phải thức ăn bị thối, mốc, hoặc cỏ tươi ướt nước hoặc đẫm sương.
Do hươu ăn no quá, ăn no xong vận động ngay.
Do thức ăn đột ngột thay đổi, từ thức ăn tươi chuyển sang thức ăn khô…
Phòng bệnh: Không cho hươu ăn những thức ăn kém phẩm chất, không cho ăn quá no và sau khi ăn cần tránh cho vận động quá mức. Không cho ăn lá, cỏ ướt nhiều.
Điều trị: Xoa rượu gừng lâu và mạnh vào hông bên trái. Dùng que quấn giẻ ngoáy mồm kích thích hươu ợ hơi ra ngoài.
Nếu hươu bị quá nặng, báo thú y địa phương để dùng dùi “Troca” để chọc thủng dạ cỏ, cho hươu ăn những thức ăn dễ tiêu, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, cho ăn nhiều bữa mỗi bữa cho ăn ít hơn mức cho ăn bình thường.
2. Bệnh ỉa lỏng.
Do thức ăn có nhiều nước, thức ăn chất lượng kém, có nước…. Thời tiết thay đổi đột ngột.
Điều trị: Để hươu nhịn ăn 2 ngày, cho uống nhiều nước sắc đặc những thứ lá chát như búp ổi, lá sim, hồng xiêm.
Dùng thuốc đẩy hết những thức ăn còn trong dạ dày. Cho uống Na2SO4, sau đó dùng NaBica, cần đọc hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Nếu do các nguyên nhân khác cần báo ngay bác sỹ thú y để có biện pháp điều trị kịp thời.
3. Bệnh ghẻ.
Bệnh này dễ lây từ con này sang con khác, khi phát hiện hươu bị ghẻ cần nhốt cách ly con mắc bệnh, tiêu khủ độc chuồng trại, báo bác sỹ thú y để điều trị kịp thời tránh lây lan ra ngoài.
4. Mụn, lở loét.
Do chuồng trại chật chội, vệ sinh kém, hay do nhiều nguyên nhân khác. Mụn, lở loét thường mắc từ tháng 4 đến tháng 8.
Điều trị:
Dùng lá cây vòi voi giã nhỏ rồi đắp ở ngoài. khi nhọt đã già thì chích ngay, nặn hết mủ, rửa sạch bằng nước ấm pha muối, rắc bột kháng sinh. Mỗi ngày rửa và rắc bột kháng sinh 1 lần cho đến khi khỏi bệnh.
(P. Loan)