Ảnh minh họa
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI đã xác định, một trong năm trụ cột phát triển kinh tế tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2020 – 2025 là sản xuất lúa và tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26/ 7/ 2021, về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biên đổi khí hậu. Nuôi tôm đã sớm được xác định là một trong những ngành sản xuất có lợi thế nhất của tỉnh Bạc Liêu, với diện tích nuôi đứng thứ 02 trên cả nước, sản lượng tôm hàng năm đạt khoảng 160nghìn tấn, trong đó trên 80% sản phẩm qua chế biến, thông qua 23 nhà máy chế biến. Hàng năm, sản lượng tôm xuất khẩu của tỉnh đạt bình quân 60 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu bình quân 650 triệu USD mỗi năm. Vì vậy, từ năm 2016, Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất tôm cả nước. Đến tháng 7 năm 2020, tại Quyết định số 214/QĐ-UBND, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định phê duyệt đề Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Theo đó, tỉnh chú trọng phát triển sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm dựa trên việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Năm 2017, tỉnh đã chính thức xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu. Đến nay, khu đã cấp phép hoạt động cho 09 doanh nghiệp, trong đó có 04 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 01 DN đang làm thủ tục CNC và 07 DN có chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, tỉnh đã và đang áp dụng 05 hình thức nuôi tôm phù hợp với những điều kiện nôi khác nhau, gồm có: (i) nuôi tôm siêu thâm canh, (ii) nuôi tôm thâm canh, (iii) nuôi tôm quảng canh, (iv) mô hình tôm – lúa, (v) mô hình tôm – cua – cá.
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 142 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm đạt gần 97% và một phần nhỏ diện tích nuôi cua và cá. Những năm gần đây, xu hướng nuôi tôm ứng dụng CNC phát triển rất mạnh mẽ. Tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC của tỉnh hiện có trên 24.500 ha, cao gấp gần 19 lần so với năm 2015. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh (nuôi tôm công nghệ cao) năm 2021 đạt 3.560 ha, với 10 DN và 650 hộ dân, tăng gần 47 lần so với diện tích nuôi CNC năm 2015.
Bạc Liêu cũng là một trong những thủ phủ sản xuất tôm giống cả nước với nhiều DN lớn đóng trên địa bàn, như: Tập đoàn Việt Úc Bạc Liêu đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT cấp phép sản xuất tôm giống bố, mẹ; hàng năm cung cấp 22% giống tôm cả nước và 50% giống tôm phục vụ Vùng Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL) và nhiều DN khác (Công ty Cổ phần chăn nuôi Việt Nam – chi nhánh Bạc Liêu 2, Công ty Kim Sa, Dương Hùng, Khánh Hồng …). Toàn tỉnh hiện có 349 DN và cơ sở sản xuất giống tôm với công suất thiết kế 35 tỷ post/ năm, hiện đang cung cấp ra thị trường 32 tỷ post mỗi năm. Giống sử dụng chủ yếu là giống tôm thẻ chân trắng (dòng Supperior), tôm sú gia hóa (Moana) trong sản xuất thâm canh và siêu thâm canh; giống tôm thẻ chân trắng, tôm sú truyền thống, tôm cành xanh thường và tôm càng xanh toàn đực trong nuôi bán thâm canh và nuôi quảng canh.
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với địa phương, các đoàn thể và đặc biệt là ngành nông nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn hỗ trợ hội viên nông dân tìm hiểu, tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Các khóa tập huấn đã và đang tập trung vào công nghệ thông tin để khai thác thông tin phục vụ sản xuất, công nghệ tự động hóa, tiếp cận kỹ thuật và thị trường từ xa … Cụ thể: Hội đã phối hợp với Ban quản lý khu nuôi tôm công nghệ cao tổ chức cho 120 cán bộ, hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm tại Hội chợ ngành tôm VietShrimp; phối hợp với Công ty Bình Minh hỗ trợ 50 cán bộ, hội viên về kỹ thuật sản xuất tôm giống và chế phẩm sinh học; Phối hợp Công ty Việt Úc tổ chức cho 35 cán bộ, hội viên học tập kinh nghiệm sản xuất tôm CNC và nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật khác … Thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn trực tiếp và từ xa, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ cho nhiều cán bộ, hội viên nông dân thay đổi tư duy sản xuất, cơ cấu lại hình thức và quy mô nuôi góp phần nang cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng, công nghệ dạng 4.0 đã và đang được ứng dụng nhanh chóng vào ngành công nghiệp sản xuất tôm. Tuy nhiên, đây là những công nghệ đang được ứng dụng ở dạng thử nghiệm, mới được sử dụng tại một số ít doanh nghiệp lớn (nuôi tôm siêu thâm canh – nuôi công nghiệp), chưa được ứng dụng trên quy mô hộ/ trang trại nuôi. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng trong điều kiện công nghệ 4.0 hiện nay, đi cùng với việc phát triển mạnh công nghệ là sư giảm giá thành giúp cho các trại nuôi tôm có thể sớm tiếp cận được với công nghệ mới, hiện đại. Cơ hội ứng dụng CNC trong sản xuất, kinh doanh tôm là một triển vòng nhiều hứa hẹn trong giai đoạn 2021 – 2025. Một số công nghệ mới đang thử nghiệm và chưa ứng dụng vào quy mô sản xuất của hộ gia đình như : Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong theo dõi môi trường nước và không khí. Dựa trên dữ liệu thu thập từ các cảm biến (sensor đầu dò) đặt trong môi trường nước, không khí ở những địa điểm thích hợp; thông tin được chuyển về trung tâm phân tích để tổng hợp đưa ra các dữ liệu về độ mặn, mực nước, độ pH và nhiều chỉ số khác về môi trường phục vụ nôi tôm. Hệ thống thiết bị này có một số đặc tính nổi trội: (i) có thể theo dõi cả môi trường xung quanh vùng nuôi tôm; (ii) có thể theo dõi thông tin môi trường theo chuỗi thời gian liên tục phục vụ cho việc dự báo mùa dịch bệnh và loại dịch bệnh; (iii) các trung tâm phân tích có thể làm dịch vụ theo dõi môi trường cho từng ao nuôi theo đặt hàng …Ứng dụng công nghệ thông minh trong việc cho tôm ăn: Công nghệ này dựa trên thiết bị cảm biến gọi là sensor đầu dò đo mức độ vận động (mạnh hay yếu), phân tích sóng âm của con tôm để xác định thời điểm tôm cần ăn. Từ đó, các thiết bị tự động cung cấp thức ăn cho tôm vào đúng thời điểm và đúng mức độ, nhằm tiết kiệm thức ăn, tránh tồn dư trong môi trường nước. Công nghệ này đang được Công ty Ranal, do ông Trần Thanh Mỹ (tỉnh Sóc Trăng) phát triển; Ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để theo dõi bệnh tôm. Thông qua hình ảnh chụp theo dõi tôm vận động, dữ liệu được gửi về trung tâm để phân tích và đánh giá mức độ bệnh tôm. Đây là công nghệ mới đang được áp dụng thử nghiệm, hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả cao trong nuôi tôm thâm canh.
Hiệu quả sản xuất tôm ứng dụng công nghệ cao
Trong thực tế, không có các phân tích để đánh giá một cách tách biệt đâu là hiệu quả có được do ứng dụng công nghệ cao và đâu là hiệu quả do công nghệ truyền thông đối với ngành nuôi tôm nói riêng và các ngành sản xuất nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, nhờ có ứng dụng công nghệ cao đã làm cho năng suất, sản lượng, giá trị tăng cao hơn, rủi ro giảm đi, giúp cho hộ nuôi tôm có thể kiểm soát được quá trình nuôi từ đầu vao cho đến sản lượng đầu ra.
Hiện nay, với gần 40% sản lượng tôm của tỉnh Bạc Liêu phục vụ chuỗi giá trị xuất khẩu, phải dựa vào nguồn cung nguyên liệu từ sản xuất tôm thâm canh và siêu thâm canh, có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo đánh giá của ngành thủy sản, năng suất, sản lượng tôm nuôi đã đạt đến tiểm tới hạn; Để có thể tăng cao hơn nữa giá trị sản xuất, tăng sức cạnh tranh mặt hàng tôm trong nước, thì giải pháp quan trọng, cấp bách nhất hiện này là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới, công nghệ thông minh – công nghệ cao vào sản xuất; Như công nghệ điện toán đám mây, công nghệ sensor đầu dò … Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp kiếm soát chính sách về môi trường nuôi, dịch bệnh, thức ăn, trong lượng sản phẩm … giúp hộ nuôi tôm giảm chi phí từ sử dụng lao động phổ thông, tiết kiện thức ăn và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện suy giảm môi trường nuôi như hiện nay, ứng dụng CNC vào phân tích, đánh giá môi trường là một yêu cầu bức thiết, vừa giúp hộ nuôi kiểm soát được khả năng sản xuất, vừa giúp các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương kiểm soát tốt vùng nuôi.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh tôm là một xu hướng chung tại các vùng tôm trên thế giới và đối với tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Ứng dụng CNC có thể kiểm soát được quá trình nuôi; Giảm chi phí nhờ tiết kiệm nhân công, thức ăn …; Đồng thời có thể tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nhờ vào việc quản trị tốt vùng nguyên liệu, hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng. Giải pháp chung hiện nay là có thể ứng dụng CNC trên mọi khía cạnh, ứng dụng từng phần trong sản xuất, kinh doanh, hoặc có thể sử dụng dịch vụ ứng dụng một số tính năng nhất định cho cả vùng nuôi.
Những giải pháp chính nhằm thúc đẩy nông dân ứng dụng CNC vào sản xuất, kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, gồm có:
Tăng cường sự phối kết hợp giữa các cấp Hội Nông dân với ngành nông nghiệp nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn các quy trình kỹ thuật, công nghệ mới và công tác xúc tiến thương mại đối với tôm thương phẩm. Đây là giải pháp căn bản nhằm củng cố năng lực nuôi tôm của các hộ gia đình và tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh tôm quy mô hộ gia đình;
Các cấp hội Nông dân và ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến (CNC) nhằm khẳng định vai trò của công nghệ trong sản xuất, kinh doanh tôm. Đây là giải pháp tiền đề nhằm thúc đẩy nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh;
Ngành nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu và các cấp Hội Nông dân cần có nhiều biện pháp hỗ trợ để HTX nuôi tôm CNC tỉnh Bạc Liêu hoạt động có hiệu quả, thể hiện rõ hơn vai trò đầu tầu ứng dụng công nghệ trong chuỗi sản xuất và cung ứng tôm. Đồng thời, cần mở rộng nhiều hơn nữa các mô hình HTX, DN tham gia các chuỗi liên kết sản xuất tôm với chất lượng cao, công nghệ mới để dần hình thành nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng tôm trên địa bàn tỉnh;
Để có thể phát triển tỉnh Bạc Liêu sớm trở thành trung tâm sản xuất tôm của cả nước; Hội Nông dân tỉnh, ngành nông nghiệp cần tham mưu với UBND tỉnh xây dựng trung tâm/ trạm xét nghiệm bệnh, chất lượng tôm ngay tại tỉnh Bạc Liêu. Trung tâm này sẽ làm dịch vụ để hộ nuôi chủ động kiểm soát dịch bệnh và chất lượng tôm nuôi, định hướng cho từng trại sản xuất tôm của hộ gia đình.
Hội Nông dân các cấp trong các chương trình phát triển ở địa phương, đẩy mạnh việc xây dựng các chi hội nghề nghiệp nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng CNC nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên trong điều kiện công nghệ mới tiếp cần, đồng thời có thể tranh thủ tối đa những kinh nghiệm thực tế của những thành viên nuôi tôm giỏi. Trong sản xuất tôm, sự mẫn cảm của con tôm với môi trường và thức ăn là rất lớn. Vì vậy, kinh nghiệm thực tế luôn là công cụ đặc biệt quan trọng với mỗi trại nuôi và sẽ luôn là nôi dung sinh động để các chi hội nghề nghiệp sinh hoạt thường kỳ.
Vân Anh