00:00 Số lượt truy cập: 2989093

Bạc Liêu: Nông dân Vĩnh Hậu làm giàu từ mô hình kết hợp nuôi sò huyết với tôm sú 

Được đăng : 10/08/2021

 

z300thuysanvietnam3831

Nuôi sò huyết kết hợp với tôm cho hiệu quả kinh tế cao

Mô hình nuôi đa con trên cùng một diện tích đã được nông dân xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình(Bạc Liêu) đang thực hiện và mang lại hiệu quả kinh tế tốt, tạo điều kiện cho nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ tiềm năng có sẳn ở địa phương, thoát khỏi cảnh đời cơ cực.

Chúng tôi được anh Mai Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hậu giới thiệu đến Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản để gặp gỡ các anh nông dân đang thực hiện mô hình nuôi Tôm sú kết hợp với nuôi sò huyết trên vuông tôm, một mô hình đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế rất cao,được nhiều nông dân trong và ngoài huyện nghiên cứu thực hiện và mở ra triển vọng cho nhiều nông dân áp dụng.    

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Việt, thành viên của Tổ hợp tác nuôi sò huyết cho biết: Sau thời gian dài nuôi tôm xú có thành công trong những năm đầu, nhưng trong những năm gần đây, việc nuôi tôm sú thất bại nhiều hơn thành công, khiến nhiều người nông dân rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần bao vây tứ phía, anh Việt cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. nhiều hộ nông dân buộc phải rời bỏ địa phương tìm kế sinh nhai khắp xứ,

Trước hoàn cảnh khó khăn đặt ra, Hội Nông dân xã đã vào cuộc, đồng chí Mai Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã suy nghĩ phải tìm ra một mô hình nào để giúp nông dân thoát khỏi cảnh thất nghiệp, đói nghèo đang bủa vây. Ông Tuấn chia sẻ: “Hồi đó, khoảng thập niên năm 1980, người dân thấy sò huyết sinh sống phát triển tốt và có rất nhiều ở cửa biển rồi tràn vào các tuyến kênh 30/4 xã Vĩnh Hậu và tuyến kênh Cống Cái Cùng, xã Vĩnh Thịnh... Thấy vậy, có nhiều bà con ngư dân bắt về bán kiếm thêm thu nhập. Nhưng con sò lúc ấy còn nhỏ, bán không ai mua, mang về ăn thì phí quá. Một vài hộ thả đại xuống vuông nuôi tôm nhà mình, không để ý đến con sò có sống, chết ra sao, không ngờ, con sò vẫn sống và phát triển bình thường”.

Sau khi tiếp cận địa bàn, nghiên cứu các mô hình nuôi trồng thủy sản ở một số nơi, ông Tuấn nhận thấy, mô hình nuôi sò huyết giống và sò thương phẩm có thể được áp dụng vào thực tế của địa phương. Anh hướng dẫn, trao đổi, bàn bạc với những anh em hội viên nông dân trong ấp Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Hậu, và mọi người nhận thấy mô hình nuôi sò huyết trên vuông tôm có thể vận dụng vào hoàn cảnh thực tế, vì chi phí đầu tư rất ít tốn kém, không tốn tiền thức ăn, và trong quá trình nuôi, có thể tuyển lựa thu hoạch sò bất kỳ thời gian nào. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, mọi người đều có thu hoạch từ việc bán sò giống và sò thương phẩm, các anh đã thành công tốt đẹp. Anh Nguyễn Văn Thuộc, một thành viên trong tổ hợp tác nuôi sò cho biết: Nguồn thu nhập từ con sò huyết cao gấp nhiều lần thu nhập từ nuôi con tôm. Sò huyết giống sau khi thả từ 7 đến 8 tháng là có thể tuyển lựa sò lớn thu hoạch dần, thời gian thu hoạch kéo dài mấy tháng mới hết. Ở khu vực ấp Vĩnh Mẫu này nuôi sò rất phù hợp, tỷ lệ sống đạt khoảng 70 - 80%, mặc dù có hao hụt nhưng cũng không lo mất vốn, vì vốn đầu tư rất thấp so với nuôi tôm.

Anh Huỳnh Văn Vũ cho biết: Lần đầu tiên tôi thả nuôi sò huyết trong vuông tôm, do chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật, tôi đem về dèo trong thời gian quá lâu, nên con sò bị “chai”, khi thả ra môi trường bên ngoài rất chậm lớn, không đạt sản lượng. Anh nói: Theo kinh nghiệm của những người nuôi sò trước đây cho biết, sò huyết không khó nuôi, nhưng trước khi thả giống cần phải cải tạo môi trường trong vuông, diệt hết cá tạp, cua. Nếu có nuôi tôm kết hợp thì phải tính toán thời gian thả giống, phải thả sò huyết trước, sau đó mới thả tôm, nhằm đảm bảo sò huyết đã đủ lớn, con tôm không thể ăn được, như vậy sẽ tránh bị hao hụt. Vào mùa mưa, phải theo dõi nguồn nước thường xuyên, tiến hành rải phân, xả nước vào những thời điểm thích hợp, tạo môi trường tốt cho tất cả các loại thủy sản nuôi trong vuông. Và theo kinh nghiệm nuôi sò của bà con xã Vĩnh Hậu là không phải vùng nào nuôi sò huyết cũng thuận, phù sa trong dòng nước chính là thức ăn của Sò huyết, vì vậy chúng chỉ phù hợp với nơi có thủy triều lên xuống. Nuôi con sò phải đảm bảo lấy được nước ra vào thường xuyên để cung cấp bùn mới cho vuông nuôi và cải tạo môi trường, càng gần cửa biển, càng dễ nuôi sò.

Trên địa bàn xã Vĩnh Hậu có rất nhiều vùng rất thích hợp cho việc nuôi sò, nhất là các vuông tôm dọc theo tuyến kênh 30/4 và kênh Vĩnh Thịnh, kênh ở các ấp 7,9,12 của xã Vĩnh Hậu A... Anh Nguyễn Văn Thuộc, phụ trách khâu kỷ thuật nuôi sò của Tổ hợp tác cho biết: “Nuôi sò cần chú trọng khâu thả giống. Sau khi mua giống về không nên mang đi vãi ngay ra vuông mà cần chờ tới nước lên cao, xóc đều sò con để những con sò khép miệng lại, rồi mới được vãi sò giống. Như thế sẽ tránh được hao hụt, vì những con sò đang hả miệng khi vãi xuống, đất nhét vào miệng quá nhiều có thể làm chúng chết”. Ngoài ra, các hộ nuôi sò cho biết, cần chú ý vuông tôm nào mà có rong sống dưới đáy thì không thể nuôi sò được, thả giống xuống là chết hết, cũng chưa rõ tại sao sò lại kỵ rong đến như vậy. Mật độ thả giống trung bình từ 100 – 150 con/m2 là phù hợp, nên thả loại giống khoảng 500 – 800 con/kg, thả giống sò quá nhỏ rất dễ thiệt hại, gây thất thoát.

Anh Nguyễn Thanh Việt cho biết: “Ưu điểm của mô hình nuôi sò là rất dễ làm, nhàn hạ, vì không tốn công chăm sóc và thời gian bảo vệ, nhưng hiệu quả kinh tế rất cao. Anh đề nghị, tới đây Hội Nông dân xã cần mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi sò cho bà con, để nâng cao kỷ thuật nuôi sò nhằm giảm bớt tỷ lệ hao hụt và tăng năng suất”. Anh cho biết, năm vừa rồi, anh thả sò giống trên diện tích 2.500 m2, chi phí hết 58 triệu đồng. Sau đó, thu được 380 kg (80 con/ký), bán được với giá 120.000 đồng 1 ký được 45.600.000 đồng. Và hiện nay, anh dự đoán trên vuông còn khoảng trên 3 tấn sò có thể thu hoạch được, nhưng do ảnh hưỡng dịch Covid-19, khâu vận chuyển đang bị hạn chế nên giá cả có phần giãm, nên anh quyết định không thu hoạch, chờ khi có giá mới xuất bán, vì giữ lại sò dưới vuông tôm, chúng càng phát triển lớn hơn, nhưng chẳng tốn kém tiền thức ăn gì cả.

Hiện nay, hoạt động của Tổ hợp tác nuôi sò huyết đang có chiều hướng phát triển khá tốt, nhiều người dân ở các địa phương trong tỉnh và các tỉnh Cà Mau, Bến Tre… tìm đến mua sò giống và được các anh hướng dẫn kỷ thuật nuôi chu đáo. Những người dân ở địa phương thì muốn xin gia nhập vào Tổ hợp tác, nên anh có dự định nâng cấp lên thành Hợp tác xã nuôi sò huyết và đã hoàn chỉnh thủ tục gửi đến Liên Minh Hợp Tác xã Tỉnh chờ quyết định chuẩn y, sẽ tiến hành đại hội ra mắt HTX trong một ngày gần đây./.

 

Ngô Minh