00:00 Số lượt truy cập: 2841296

Bạc Liêu: Tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP 

Được đăng : 04/10/2023

aaaaaaaa

Thanh nhãn là một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của Bạc Liêu

Ngành nông nghiệp được xác định là trụ đỡ trong phát triển kinh tế của tỉnh Bạc Liêu. Đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được chú trọng, từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Chính vì vậy, đây được xem là điều kiện, lợi thế để tỉnh thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Tính đến nay, Bạc Liêu có 129 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cho 56 chủ thể (23 sản phẩm đạt 4 sao và 106 sản phẩm đạt 3 sao) với chủng loại đa dạng, phong phú như: muối tiêu Bạc Liêu, yến sào Minh Quang, mắm tôm thẻ Cô Út, tôm khô Đa Giàu, khô cá kèo Kiều Hạnh, bánh đậu xanh Hương Sen, Đông Trùng Hạ Thảo Trúc Anh....

Theo đánh giá của địa phương, chương trình OCOP đã khai thác, khơi dậy và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của Bạc Liêu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm OCOP ngày càng nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua thống kê cho thấy sau khi được công nhận, sản lượng sản phẩm OCOP, lượng hàng hóa tiêu thụ gia tăng bình quân từ 10-20% so với trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP.Một số thương hiệu sản phẩm OCOP của Bạc Liêu như tôm nguyên con đông lạnh; các sản phẩm chế biến từ tôm, mực, cá; các sản phẩm muối Bạc Liêu… đã vào được hệ thống các siêu thị trong, ngoài tỉnh cũng như được xuất khẩu sang thị trường các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu…

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng Chương trình OCOP của tỉnh Bạc Liêu cũng còn tồn tại khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Phần lớn các sản phẩm sản xuất theo phương thức thủ công, quy mô hộ gia đình, sức cạnh tranh thấp; số lượng sản phẩm OCOP có đến trên 100 nhưng chỉ đạt ở cấp độ 3 - 4 sao ….Tại Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP giữa tỉnh Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố năm 2023 được tổ chức tháng 10 vừa qua, đồng chí Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã nhìn nhận vấn đề này “Việc triển khai Chương trình OCOP của Bạc Liêu còn nhiều khó khăn, bất cập, nhiều sản phẩm OCOP chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường trong khi nhu cầu của người dân và du khách là rất lớn. Nguyên nhân một phần là do chúng ta chưa làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, chính chủ thể phải là người chủ đạo trong việc quảng bá sản phẩm của mình, đưa sản phẩm vươn xa, giúp các chủ thể phát triển và thu lợi nhuận ổn định hơn. Có như vậy, sản phẩm OCOP mới thật sự là lợi thế để phát triển sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững”.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả Chương trình OCOP mang lại, trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chỉ đạo các sở ngành trong tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành liên quan gắn kết chặt chẽ trong khâu hỗ trợ chủ thể kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm trên thị trường, gắn kết chặt chẽ Chương trình OCOP với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sở Công Thương tiếp tục tăng cường liên hệ, ký kết hợp tác với ngành Công Thương các địa phương trong khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, đô thị lớn trong cả nước, hiệp hội ngành hàng, nhà phân phối, siêu thị để tìm đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa của tỉnh. Bên cạnh đó vận động doanh nghiệp trực tiếp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ và hội nghị kết nối giao thương, kể cả hội nghị, hội chợ ở nước ngoài... Sở Công Thương phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các chủ thể OCOP thực hiện chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua vận động chủ thể OCOP đăng ký làm thành viên các sàn giao dịch thương mại điện tử ... Bên cạnh đó  là tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và chuyển đổi tư duy cho cán bộ quản lý và các chủ thể OCOP về kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn - mẫu mã sản phẩm và sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP; quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP phù hợp với từng địa phương, phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát và quản lý sản phẩm OCOP, đẩy mạnh quá trình số hóa, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP….

Xác định công tác xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, do đó, trong thời gian tới, việc khai thác và phát huy hiệu quả Chương trình OCOP sẽ được các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu tập trung thực hiện quyết liệt. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới.

 

Chung Anh