Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh, mà nhiều địa phương đã không ngừng phát triển và mở rộng các mô hình nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được áp dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp tuần hoàn mang lại hiệu quả cao.
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ liên kết với tiêu thụ sản phẩm: Mô hình sử dụng các giống lúa chất lượng cao, phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Mặc dù năng suất đạt thấp hơn ngoài mô hình từ 5 - 10% nhưng hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn ngoài mô hình từ 10 - 15%. Sau khi kết thúc, các hộ tham gia mô hình tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ.
Mô hình sản xuất nấm: Nghề trồng nấm ăn đã phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, sản phẩm từ nấm bổ sung nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng cho con người. Bên cạnh đó nghề trồng nấm còn góp phần làm sạch môi trường do sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, bã nấm sau khi trồng được các gia đình đem ủ làm phân bón hữu cơ để trồng rau màu, cây ăn quả…
Mô hình trồng cỏ kết hợp nuôi bò thịt, bò sinh sản tại các khu chăn nuôi tập trung: Với quy trình chăn nuôi khép kín, mô hình tận dụng phụ phẩm chăn nuôi rồi phun vi sinh ủ thành phân bón cho diện tích trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho bò. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Nhận thức được điều đó, không chỉ các trang trại chăn nuôi lớn phát triển theo hướng tuần hoàn mà một số gia trại, nông hộ chăn nuôi hiện nay cũng đã và đang phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn nhằm tận dụng phân và chất thải chăn nuôi làm gas để đun nấu, phát điện, làm nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng, giúp cải tạo đất.
Mô hình kinh tế tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô/cây ăn quả - gia súc, gia cầm - cá: Mô hình tận dụng nguồn phân trong chăn nuôi để nuôi trùn quế; lấy phân trùn quế bón cỏ/ngô/cây ăn quả; trùn quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, cá...
Mô hình lúa - cá: Đây là mô hình được thực hiện ở các vùng trũng, hay ngập úng trước đây chỉ cấy được một vụ lúa. Khi nuôi cá trong ruộng lúa, phân của cá và thức ăn còn dư sẽ bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa. Ngược lại, khi gặt lúa xong, thả cá vào ruộng, gốc rạ, thóc rơi vãi trở thành nguồn thức ăn cho tôm, cá. Với mô hình luân canh này hầu như cây trồng, vật nuôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường. Mô hình lúa - cá được triển khai trong thực tiễn đã giúp giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn, nhất là giúp nông dân nâng cao thu nhập gấp từ 5 - 10 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với chỉ trồng lúa.
Mô hình nuôi cá "sông trong ao": Là phương thức nuôi trồng thủy sản đã được áp dụng ở một vài địa phương trong tỉnh. Áp dụng công nghệ nuôi cá "sông trong ao" sử dụng hệ thống máy nén được lắp đặt dưới đáy ao, khí độc sẽ được giải phóng liên tục giúp môi trường ao nuôi luôn sạch, hạn chế tối đa dịch bệnh, cá tăng trọng nhanh, hệ số sử dụng thức ăn giảm. Mô hình giúp tăng số lượng cá nuôi trong ao, thịt cá săn chắc, chu kỳ nuôi ngắn; năng suất, chất lượng cao hơn so với cách nuôi truyền thống. Mặt khác, nước thải ao nuôi được hút lên sử dụng làm phân bón hữu cơ để tưới cho cây trồng, góp phần giảm chi phí và nâng cao thu nhập cho người dân.
Kiều Anh