Nhờ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa mà ông đã tiết kiệm thời gian và sức lao động đáng kể, tăng năng suất và sản lượng lúa
Sinh ra trong một gia đình nông dân, từ năm 1966 đến năm 1977 ông học phổ thông tại trường Đốc Binh Kiều, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên ông phải nghỉ học về quê làm thuê. Năm 1983, sau khi lập gia đình, ông được cha mẹ cho ở riêng và cấp cho 1.500m2 đất vườn và 5.000m2 đất ruộng. Ban đầu gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất thấp do canh tác theo tập quán truyền thống lâu nay của người nông dân. Ông đã bàn với gia đình mạnh dạn chặt phá cây tạp chuyển 1.500 m2 vườn sang trồng cây ăn trái, và xây dựng 100m2 chuồng trại để chăn nuôi heo nái, heo thịt và canh tác 5.000m2 đất ruộng mà cha mẹ đã cho.
Bản thân ông thường xuyên tham gia sinh hoạt Hội được Hội Nông dân xã Phú Cường xét chọn tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỷ thuật về trồng lúa, chăn nuôi heo, được tham quan nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả trong và ngoài huyện. Từ kiến thức thu thập được, ông xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo thịt theo quy trình an toàn sinh học. Bên cạnh đó, bản thân ông cũng tự tích lũy nhiều kinh nghiệm trong thực tế để áp dụng vào mô hình của gia đình, đem lại hiệu quả kinh tế cao.Mô hình kinh tế của gia đình ông được các trạm Bảo vệ thực vật, trạm Khuyến nông chọn làm điển hình trình diễn: Nuôi heo an toàn sinh học, trồng lúa theo mô hình “Một phải năm giảm” cho hội viên nông dân trong huyện tham quan, học hỏi.
Đất đai không phụ công lao khó nhọc của một người nông dân nhạy bén, sáng tạo, biết nắm bắt thời cơ và vận hội mới từ nền kinh tế thị trường, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật:Từ chỗ xuất phát điểm là hộ nghèo, Phước đã tạo dựng cơ nghiệp gồm 1.500m2 đất vườn và 24.000m2 đất ruộng và chuồng trại chăn nuôi heo. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng lúa. Nhờ cần cù, siêng năng, chịu khó, tiết kiệm, tích lũy hàng năm, nên gia đình ông đã xây dựng được căn nhà ở kiên cố khang trang, nuôi 04 người con ăn học ra trường có việc làm ổn định.
Khi kinh tế ổn định, hàng năm, gia đình ông hỗ trợ giúp đỡ hội viên nông dân và hội viên nông dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn từ 15 hộ đến 25 hộ về vốn, khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi. Kết quả mỗi năm giúp đỡ được từ 10 hộ đến 20 hộ thoát nghèo, có mức thu nhập ổn định.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông cho rằng: Trong sản xuất lúa, phải biết chọn giống có năng suất cao, kháng được sâu bệnh, thích nghi với vùng đất ở địa phương, xuống giống đúng lịch gieo sạ của phòng nông nghiệp. Để tiết kiệm chi phí và nhân công, tăng năng suất cần tích cực áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, cho đến bảo quản... Mặt ruộng phải bằng phẳng, chọn giống xác nhận để gieo sạ, sạ thưa, sạ hàng với mật độ giống vừa phải, bón phân cân đối đạm - lân - ka li, không bón thừa phân đạm ở giai đoạn cuối, quản lý sâu bệnh tốt, không phun thuốc trừ sâu ở giai đoạn lúa trước 40 ngày sau sạ để bảo toàn thiên địch trong chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “một phải, năm giảm”. Từ đó, giảm giá thành sản xuất, đem lại lợi nhuận cao hơn.
Trong chăn nuôi heo, việc áp dụng mô hình chăn nuôi heo hướng an toàn sinh học có nhiều ưu thế vượt trội. Đây là mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, giảm tiêu tốn nguồn thức ăn. Vì trong quá trình chăn nuôi đã sử dụng men vi sinh vật có tác dụng kích thích quá trình tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ thức ăn và tăng quá trình trao đổi chất và năng lượng làm cho đàn heo tăng trọng nhanh. Bên cạnh việc xây dựng chuồng trại đúng quy cách, thoáng mát, phải tiêm phòng vacxin định kỳ đầy đủ, phun xịt thuốc sát trùng chuồng trại thường xuyên, gia đình ông xây dựng hầm Biogas để bảo vệ môi trường, lấy gas làm chất đốt sinh hoạt cho gia đình. Đặc biệt trong năm 2019 bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra trên địa bàn nhưng gia đình ông không bị ảnh hưởng. Khi qua mùa dịch, giá heo hơi rất cao. Ông bán được nhiều lứa heo con và heo thịt lợi nhuận từ 1,2 triệu đến 3 triệu đồng/con.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình ông luôn gương mẫu, tiên phong trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp 3.020m2 đất để làm 2 con đường giao thông nông thôn.
Ghi nhận những thành công và nỗ lực bền bỉ không ngừng, ông Nguyễn Văn Phước đã được bình xét danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh từ năm 2007 – 2019, được các cấp, các ngành trong tỉnh tặng 8 bằng khen và 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2020, ông vinh dự đại diện cho hội viên nông dân tỉnh Tiền Giang tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V, giai đoạn 2015 – 2020.
TB