00:00 Số lượt truy cập: 2914206

“Bắt” cây Thanh trà ra quả trái mùa, lão nông ở tỉnh Vĩnh Long trở thành Giám đốc Hợp tác xã 

Được đăng : 19/05/2024

                                                          

Ảnh sưu tầm: Ông Huỳnh Văn Cập, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) cùng gia đình thu hoạch thanh trà nghịch vụ.

 

Lấy cây thanh trà làm cây mũi nhọn để phát triển kinh tế, ông Huỳnh Văn Cập đã khởi nghiệp thành công, trở thành Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây giống - quả thanh trà ngọt Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long với thương hiệu Năm Cập. Để biến quả thanh trà ra trái ngọt, ông Cập đã mày mò nghiên cứu trong nhiều năm. Không dừng lại ở đó, ông mạnh dạn xử lý để cây cho trái theo ý muốn. Bước đầu thử nghiệm đã mang lại kết quả khả quan, vườn thanh trà của Hợp tác xã ra trái rải vụ, giá bán cao hơn nhiều so với thời điểm chính vụ.

Ông Huỳnh Văn Cập cho hay: Thanh trà là loại cây được trồng lâu năm ở thị xã Bình Minh, với diện tích khoảng 27ha, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Đông Thành với hai loại trái chua và ngọt. Cây thường cho trái từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch hằng năm. Vào chính vụ, thanh trà có giá cao, nhất là giống thanh trà ngọt đang được thị trường ưa chuộng, nhờ đó đã mang lại thu nhập khá cao cho người dân.

Tuy nhiên giống thanh trà ngọt chỉ có ở một vài nơi nhưng trái nhỏ, năng suất thấp. Để có sản lượng quả thanh trà lớn mang lại giá trị kinh tế cao, ông Huỳnh Văn Cập đã phải dầy công mày mò, tìm kiếm, sưu tầm, học hỏi và nhiều lần trồng thử nghiệm.

“Từ những cây thanh trà được trồng bằng hạt ở vườn nhà dân, tôi đã sưu tầm để nghiên cứu đặc tính, so sánh năng suất, độ chua, ngọt và tuyển chọn ra được một số cây thanh trà có năng suất đột biến, hương vị ngọt để nhân giống. Sau nhiều năm miệt mài với cây này, tôi đã phát triển được giống thanh trà ngọt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, đồng thời cho trái to, năng suất cao, không bỏ vụ như hiện nay và đã được đăng ký độc quyền nhãn hiệu cây giống thanh trà ngọt Năm Cập”, ông Cập cho hay.

Chia sẻ về giống cây thanh trà ngọt, ông Huỳnh Văn Cập cho biết: Giống thanh trà ngọt Năm Cập khác với giống thanh trà truyền thống. Trái thanh trà ngọt chín qua đánh giá của Viện Cây ăn quả miền Nam cho thấy tỷ lệ thịt chiếm 70%, hạt chỉ chiếm 30%, có vị ngọt thanh. Cây trồng khoảng 3 năm sẽ cho trái đợt đầu tiên từ 3-5kg, sau đó tăng dần theo từng năm, đến khi đạt 10 năm tuổi thì có thể thu hoạch 50-60kg/cây. Do sản lượng thanh trà ngọt còn ít nên giá bán khá cao, dao động từ 100 - 120 nghìn đồng. Với năng suất và giá bán như vậy, nếu nông dân trồng thanh trà ngọt sẽ có thu nhập khá, không thua các giống cây trồng khác.

Hiện hợp tác xã do ông thành lập mang tên Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây giống - quả thanh trà ngọt Đông Thành, thu hút 11 thành viên tham gia với diện tích hơn 10,2ha. Bên cạnh bán trái, Hợp tác xã cung cấp lượng lớn cây giống thanh trà ngọt với giá ổn định khoảng 200 nghìn đồng/cây. Thương hiệu thanh trà ngọt Năm Cập của Hợp tác xã đã được công nhân đạt chứng nhận 4 sao đối với sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của địa phương, Hợp tác xã đang có chiến lược phát triển thị trường vào các siêu thị.

Nhằm giúp bà con địa phương yên tâm trồng cây thanh trà, trước tình hình biến đổi thời tiết cho năng suất thấp, ông Huỳnh Văn Cập tiếp tục tự mày mò nghiên cứu, liên kết với các đơn vị, viện, trường để được tư vấn. Ông còn sang tận Thái Lan để tham quan mô hình trồng thanh trà ngọt và tìm cách để vận dụng, xử lý đối với giống cây này ở địa phương mình. Sau vài lần thử nghiệm, ông Cập đã thành công cho cây thanh trà ra trái né thời điểm chính vụ. Cây thanh trà bước đầu phát triển tốt mà không phụ thuộc vào thời tiết, nâng cao tỷ lệ ra hoa, đậu trái.

Ông Huỳnh Văn Cập cho biết, để xử lý thanh trà ra trái theo ý muốn, trước đây cây thanh trà ra hoa, đậu quả phần lớn phụ thuộc vào thời tiết thì qua quá trình can thiệp các biện pháp bón phân, tưới nước... đúng thời điểm, cây đã ra hoa gần như 100%, sản lượng đạt yêu cầu.

Vụ thanh trà vừa qua ở địa phương hết mùa, nhưng nhờ "mát tay" xử lý ra quả trái vụ, hợp tác xã vẫn có sản phẩm để bán ra thị trường, giá tăng lên đến 160 nghìn đồng/kg. Ông Cập phấn khởi cho biết, thử nghiệm mấy đợt đều đạt yêu cầu rồi, năm sau sẽ tiếp tục xử lý để không bị mất mùa, nếu hiệu quả thì nhân rộng cho bà con.

Trăn trở với mong muốn phát triển và nhân rộng diện tích trồng cây thanh trà, ông Huỳnh Văn Cập ấp ủ mở rộng diện tích và tăng năng suất để từng bước hình thành vùng nguyên liệu ở địa phương. Bước đầu có thể đưa quả thanh trà vào siêu thị để nâng cao giá trị sản phẩm, về lâu dài nếu địa phương hỗ trợ nhân rộng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu và tiến xa hơn có thể xuất khẩu.

Năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm vàlà người có đóng góp lớn trong việc phát triển giống thanh trà ngọt cho địa phương. Bên cạnh việc phát triển kinh tế của bản thân, ông Cập còn tích cực cùng địa phương hỗ trợ giống và kỹ thuật để người dân mạnh dạn đầu tư trồng thanh trà, phát triển kinh tế gia đình.Đặc biệt, việc ông tiếp tục nghiên cứu, xử lý thanh trà ra trái nghịch vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đã mở ra thêm những hướng đi mới cho canh tác loại cây này, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đó là lời nhận xét của ông Nguyễn Hoàng Chương - Chủ tịch UBND xã Đông Thành, thị xã Bình Minh dành cho ông Huỳnh Văn Cập.

Với những nỗ lực trong sản xuất, ông Huỳnh Văn Cập là một trong những nông dân tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" của địa phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú thị xã Bình Minh. Bên cạnh đó, ông cũng tích cực tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, hiến đất xây đường giao thông nông thôn, tích cực tham gia và đóng góp kinh phí cùng địa phương hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn, sửa chữa cầu, đường và ủng hộ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.

         

 

              Chu Hương