1. Triệu chứng
Lúc đầu vỏ thân cây vùng gốc bị úng nước, thối nâu thành hình bất dạng, sau đó khô, nứt dọc, chảy mủ hôi. Cạo vỏ vùng bị bệnh, gỗ bên trong cũng bị thối nâu, bệnh lan dần lên trên hay quanh thân chính và rễ cái. Cây bị bệnh rễ ngắn đi, ít rễ tơ, vỏ dễ thối và dễ tuột, lá bị vàng dọc theo gân chính do thiếu dinh dưỡng, cây có thể chết trong trường hợp nhiễm nặng.
Bệnh hại nặng trên cành làm cho lá cam, bưởi, chanh úa vàng, cành chết khô dần. Bệnh trên thân và đặc biệt nguy hiểm ở phần sát gốc cây kéo theo hiện tượng thối rễ và thối cổ rễ gây chết cây. Bệnh còn gây các vết thối nâu trên quả.
Bệnh có thể gây hại trên quả làm thối trái, nhất là quả gần mặt đất và trong những vườn trồng dày. Vết thối thường xuất hiện một bên hoặc từ đáy quả lên, vùng thối hơn tròn có màu xanh tối, sau đó lan rộng ra khắp trái, mùi chua, quả bị rụng. Khi ẩm ướt trên bề mặt vết bệnh xuất hiện một lớp nấm trắng.
2. Nguyên nhân
Bệnh do nấm Phytophthora citrophthora, đây cũng là một bệnh hại phổ biến trên cây có múi.
Nấm này rất ưa thích điều kiện ẩm ướt và có thể tồn tại trong đất. Nấm bệnh hại rễ, gây các vết nứt dọc trên vỏ có màu thâm, từ vết hại chảy ra dòng nhựa màu nâu trong, vỏ và gỗ dưới vết bệnh khô dần.
Bệnh tồn tại và gây hại quanh năm, nhưng gây hại trong các tháng mùa hè và mùa thu, đôi khi gây hại cả trên quả vào giai đoạn quả chín.
Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, đất trồng ẩm ướt thường xuyên, thoát nước kém trong mùa mưa, vườn trồng dày, ít được tỉa cành tạo tán, bón phân không cân đối. Nhiễm trùng bệnh xảy ra khi quả vẫn còn ẩm ướt trong một thời gian tương đối kéo dài, các loại nấm có thể xâm nhập trực tiếp vào vỏ quả. Nếu quả cây khô, trước khi các bào tử động nảy mầm và xâm nhập vào vỏ quả thì quá trình lây nhiễm bị hạn chế.
Bệnh thường xuất hiện từ giữa tháng tám đến tháng mười thời kỳ mưa lớn, kéo dài. Chúng phù hợp điều kiện đất ẩm và là kết quả của sự nảy mầm của loại nấm trên. Bệnh phát triển tốt trong điều kiện ẩm, sau khi mưa lớn hoặc thời tiết ẩm ướt kéo dài. Sự bắn nước kéo theo đất lên làm cho quá trình lây lan bệnh diễn ra nhanh hơn. Trái cây bị nhiễm bệnh thường tiếp xúc gần với đất.
3. Phòng trừ bệnh
Sử dụng giống kháng bệnh làm gốc ghép. Không ghép quá gần gốc và không trồng quá sâu. Đất trồng phải khô ráo, thoát nước nhanh, vùng gần gốc phải thông thoáng sạch sẽ, không tủ rác, bùn lấp gốc. Xử lý đất bằng thuốc hóa học.
Không nên ủ cỏ, rác sát gốc vào mùa mưa, cách gốc 20-30cm. Có hệ thống thoát nước tốt, tránh để úng nước.
Tránh gây thương tích khi chăm sóc, chống đỡ cành mang quả tránh không cho quả quá gần đất.
Thu gom chôn vùi các quả bị bệnh. Sau khi thu hoạch, kết hợp với biện pháp chăm sóc, tiến hành vệ sinh vườn quả, cắt bỏ các cành bệnh nặng.
Sử dụng chế phẩm sinh học như Trichoderrma ủ với phân hữu cơ hoặc sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón hàng năm sau mỗi đợt thu hoạch và đầu mùa mưa để bổ sung vi sinh vật có ích và hạn chế sự gây hại của nấm bệnh. Cũng có thể sử dụng chế phẩm Pseudomonas tưới hoặc bón kết hợp với phân hữu cơ vào đầu mùa mưa hoặc sau mỗi vụ thu hoạch cũng có tác dụng hạn chế bệnh chảy gôm.
Làm vệ sinh đối với cành to và thân gốc bị bệnh, sau đó dùng Boócđô 1% hoặc Aliette 1% quét vào các vết bệnh.
Dùng các loại thuốc Boócđô 1%, Copper Zinc 85 WP, Mancozeb 80 WP, Dithane M 45 WP, Champion 77 WP, Acrobat MZ 90/600 WP… pha đặc quết vào vết bệnh ở gốc thân 7 ngày/lần. Để phòng bệnh nên sử dụng các thuốc trên quết vào thân gốc vào đầu và cuối mùa mưa.
Phát hiện kịp thời, khi có bệnh dùng dao cạo sạch vùng vỏ quét thuốc hóa học dùng Alpine 80 WDG pha đặc để trị bệnh.
Khi cây bị bệnh gây hại nặng nên phun thuốc gốc đồng như Champion 77 WP, Copper Zinc, Curzate M8 80WP, nhóm Mancozeb (Manzate 80 WP), nhóm Metalaxyl (Ridomil 72 WP), nhóm Fosetyl Aluminium (Aliette 80 WP)./.
BBT