00:00 Số lượt truy cập: 2985374

Bệnh đốm đen quả đào 

Được đăng : 11/06/2018
Hỏi: Nguyên nhân gây bệnh đốm đen trên quả đào? Cách phòng trừ bệnh? (Trần Văn Pha, thị trấn Sa Pa, Lào Cai).

Đáp:

Bệnh đốm đen quả đào, là một bệnh hại quan trọng trên đào, ở những vùng trồng đào nóng ẩm, lượng mưa cao. Nấm tấn công gây hại trên cành, lá, quả nhưng chủ yếu là hại quả.

Triệu chứng bệnh đầu tiên xuất hiện trên quả sau khi tắt hoa 6-7 tuần. Triệu chứng ban đầu là các đốm màu nâu xanh tới đen, các đốm bệnh xuất hiện chủ yếu vòng quanh cuống quả. Khi quả nhiễm bệnh nặng, các vết bệnh có thể liên kết với nhau, tạo thành các vùng bị bệnh có màu xanh lục thẫm. Mặc dù vết bệnh chỉ có trên bề mặt, không ăn sâu vào trong thịt quả, nhơng nó đã làm cho quả bị méo mó và nứt. Trên cành nấm tấn công các cành 1 tuổi. Ban đầu vết bệnh có màu nâu sáng, sau đó chuyển sang màu tối. Mặc dù các vết bệnh chỉ có trên bề mặt và hại cành rất ít, nhưng vết bệnh trên cành, đóng vai trò chính trong quá trình lan truyền của bệnh, bởi các vết bệnh này là nơi để các bào tử tồn tại qua đông. Trên lá vết bệnh đầu tiên là các vùng màu xanh nhạt, xuất hiện vào cuối mùa hè. Các vết bệnh phát triển thành những đốm hẹp, màu nâu đen. Trong trường hợp bệnh nặng, lá có thể bị rụng sớm.

Cành bào tử mọc phân tán, màu nâu, không có vách ngăn, đỉnh hơi thon nhỏ, có răng cưa hay hơi gẫy khúc, kích thước cành bào tử 20 - 54 x 4 - 6,5µm. bào tử đơn bào, hình thoi hay hình quả lê, hai đầu hơi nhọn màu nâu, vách dày.

Bào tử có thể nảy mầm trong khoảng nhiệt độ từ 15-300C, nhưng thường thích hợp nhất trong khoảng 25-300C, với độ ẩm không khí đạt từ 94-100%. Nấm lan truyền nhờ gió mưa.

Tại Việt Nam, nấm được phát hiện ở Lào Cai, gây bệnh đốm đen quả đào. Trên quả đào, vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu đen, sau phát triển dần thành những vết bệnh hình tròn màu đen, kích thướ 2-3 mm. Bệnh nặng, vết bệnh dày đặc trên quả đào làm giảm chất lượng cũng như khả năng bảo quản của quả. Nấm phát sinh gây hại cho đào vào khoảng tháng 6, 7. Nấm gây bệnh nặng trên giống đào địa phương như đào Trâu, đào Mèo và nhẹ hơn trên giống đào Vân Nam. Tại thị trấn Sa Pa, trong mùa mưa 2007 có vườn đào tỷ lệ quả bị bệnh lên tới 100%.

Để phòng trừ bệnh, cần đốn tỉa loại bỏ các cành nhiễm bệnh. Loại bỏ và tiêu hủy các quả nhiễm bệnh. Sau khi hoa tắt 2 tuần phun các thuốc trừ nấm Propiconazon, Clorothalonil theo khuyến cáo để trừ bệnh./.

BBT