Anh Tiến đang kiểm tra chất lượng của từng quả dưa
Tốt nghiệp Trường đại học Mỏ - địa chất, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch ngày càng cao, anh Tiến quyết định rẽ hướng, chọn nông nghiệp công nghệ cao để khởi nghiệp. Được sự hỗ trợ về giống, phân bón cũng như chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật của người bạn bè, nhất là của các nhà vườn dưa lưới ở TPHCM, anh mạnh dạn đầu tư hơn 500m2 nhà lưới đầu tiên tại xã Phương Tiến trồng các giống dưa lưới, dưa lê. Do thời gian đầu nguồn vốn còn hạn chế, cộng với kỹ thuật chưa nắm chắc nên chỉ anh chỉ thí nghiệm trên diện tích nhỏ để trồng dưa chuẩn theo mô hình trồng dưa công nghệ cao. Vừa trồng dưa, anh Tiến tận dụng thời gian để bổ sung thêm vốn kiến thức kỹ thuật vừa đúc rút kinh nghiệm sau từng vụ dưa để điều chỉnh phân bón, giống cây trồng cho hợp lý. Ngay vụ đầu tiên, do không ai trồng dưa lưới ở trên đất này nên anh đã thu lợi nhuận rất cao. Anh dành dụm được tiền để mở rộng thêm nhà lưới và thưởng cho mình một chuyến du lịch đi vào TP.HCM.
Tuy nhiên, năm 2017, mưa lũ lớn xảy ra trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã khiến cho toàn bộ nhà lưới trồng dưa của anh bị đổ sập, mất trắng cả vụ dưa. Chán nản, anh Tiến rời quê vào Bình Thuận làm quản lý cho một vựa dưa, nhưng chỉ một tháng sau anh quyết định quay về quê hương, bắt tay vào gầy dựng lại từ đầu. Nhờ quyết tâm và sự kiên trì, chịu khó mà đến nay mô hình trồng dưa công nghệ cao anh đã cho thu nhập ổn định, dưa trồng được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
"Sản lượng nhiều, một mình làm không xuể, tôi quyết định thành lập hợp tác xã kết nối thanh niên trong làng cùng gầy dựng nông nghiệp công nghệ cao trên đất quê hương" - anh Tiến bày tỏ. Năm 2019, anh cùng với 6 thanh niên người Tày, Nùng ở địa phương thành lập HTX Thanh niên Phương Tiến, là mô hình canh tác nông nghiệp nhà lưới thông minh ở xã Phương Tiến, Vị Xuyên. Tiến cùng các thành viên HTX đã vay Ngân hàng NN&PTNT 400 triệu đồng và góp thêm vốn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới có ứng dụng công nghệ để trồng các loại dưa có giá trị kinh tế cao, theo hướng an toàn, như dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa lê Bạch Ngọc. Các thành viên phân công nhau mỗi người đảm nhận một phần việc như chăm lo sản xuất, hỗ trợ mảng kinh doanh, có thành viên hỗ trợ mảng marketing, người sáng tạo nội dung trên Facebook bằng cách "livestream cắt dưa tại vườn"....
Ưu điểm trồng dưa lưới trong nhà màng giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Mô hình ứng dụng công nghệ trồng mới với hệ thống tưới tiêu tự động, cung cấp dưỡng chất cho cây trồng với hệ thống quản lý, vận hành bằng máy tính, điện thoại thông minh nhờ đó lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới, giúp tiết kiệm công sức, chi phí, hiệu quả sản xuất cao. Trong quá trình trồng, anh thường xuyên kiểm tra để có các biện pháp kịp thời nếu có bệnh gây hại cho cây dưa. Anh luôn tuân thủ tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn để sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Và đến nay, nhờ làm ăn ổn định, HTX phát triển thêm cơ sở 2 tại thôn Lùng Càng, xã Phong Quang với tổng diện tích trên 3.000m2 nhà lưới.
Mô hình dưa lưới đã cũng cho năng suất và chất lượng ổn định hơn, do đó 100% sản lượng dưa thu hoạch đến đâu tiêu thụ đến đấy. Khách hàng đã tự tìm đến vựa dưa của Hợp tác xã Thanh niên Phương Tiến để hái tận vườn. Trung bình cứ 60 ngày thu một vụ dưa, bình quân mỗi 1.000m2 hàng năm sẽ mang lại cho HTX lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Chia sẻ dự dịnh trong tươn lai, anh Tiến cho biết thời gian tới hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư thêm nhà lưới, nghiên cứu trồng giống chuối tiêu hồng và tự tin xuất ngoại. HTX cũng mong muốn được các ngành, các cấp tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi để tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Bình Nguyên