Hỏi: Ông Giao ở Thái Nguyên hỏi gia đình nhà tôi có trồng mao trúc, đề nghị Ban biên tập cho biết kỹ thuật chăm sóc và và chặt tỉa lấy măng cho hiệu quả?
Đáp:
1. Quản lý rừng Mao trúc bao gồm làm cỏ, xới đất, bón phân, tỉa cây và phòng trừ sâu bệnh:
- Rừng Mao trúc mới trồng do chưa khép tán phải làm cỏ và cuốc lật đất một lần ở độ sâu 25 - 30cm để tạo điều kiện cho thân ngầm phát triển, tiến hành vào tháng 5, tháng 6. Những nơi có điều kiện cần trồng xen cây họ Đậu để vừa tận dụng đất, vừa đỡ công làm cỏ và làm đất tốt thêm.
- Để tạo ra 50 kg măng, Mao trúc cần lấy từ đất 250-300 g nitơ: 50- 75 g lân, 100-125 g kali. Nếu một hécta mỗi năm thu 15.000 kg măng thì phải bón 75-105 kg nitơ, 15- 22,5 kg lân, 30 - 37,5 kg kali (tỷ lệ N:P:K là 5:1:2).
Một năm cần bón 4 lần kết hợp cả phân vô cơ và phân chuồng hoại để đáp ứng được yêu cầu sinh trưởng của Mao trúc.
+ Lần l: Bón lượng phân bằng 35% NPK cho cả năm, bón ngay sau khi thu hoạch măng (tháng 4 đến tháng 6) bón kết hợp cuốc lật đất.
+ Lần 2: Bón vào khoảng tháng 7 đến tháng 9, bón lượng NPK bằng 15% của cả năm, lúc này nên pha vào nước để bón hoặc bón vào lúc mưa.
+ Lần 3: Bón 40% lượng phân cả năm vào tháng 11 và tháng 12, bón kèm với 1.000-3.000 kg phân chuồng cho mỗi hécta tùy theo loại đất (tốt bón ít, xấu bón nhiều).
+ Lần 4: Bón nốt 10% lượng phân còn lại cùng với 380 kg đạm cho mỗi hécta và bón vào khoảng tháng 2, tháng 3.
2. Chặt tỉa và lấy măng
Tùy theo mục đích trồng (lấy măng hay lấy thân) mà chặt tỉa cây để lại mật độ cho phù hợp. Mặt khác phải chú ý nguyên tắc chặt tỉa. Cây 3-4 năm tuổi có chất lượng tốt nhất và có vai trò nuôi dưỡng thế hệ sau quan trọng nhất nên giữ lại để nuôi dưỡng. Cây 6 - 7 tuổi là cây già nên chặt đi để giữ mật độ hợp lý. Những cây bị sâu bệnh, bị cụt ngọn không có giá trị thương phẩm cũng nên loại bỏ. Việc chặt tỉa hằng năm được làm vào mùa đông là tốt nhất.
Lấy măng hợp lý là biện pháp quan trọng nâng cao sản lượng và kích thước cây. Cần lấy hết măng điếc, một phần măng nhỏ đầu vụ và cuối vụ, chọn nuôi măng mập nhất giữa vụ để bảo đảm kích thước cây các thế hệ sau.
Khi khai thác măng đông thường phải dò tìm theo hướng thân ngầm để tìm vết nứt trên mặt đất và đào bới khai thác trước khi chúng lộ khỏi mặt đất. Nói chung việc khai thác măng đông thường kết hợp với chăm sóc rừng bao gồm cuốc xới toàn diện, bón phân, loại bỏ thân ngầm quá già.
Khai thác măng xuân cũng phải kịp thời, măng lộ khỏi mặt đất chất lượng sẽ kém.
VH-BL