1. Các bệnh ký sinh trùng
Dê có thể mắc các bệnh nội ký sinh (giun đũa, sán lá gan...) và các bệnh ngoại ký sinh (ghẻ, ve, rận...).
- Để phòng các bệnh này, cần tuân thủ các biện pháp sau đây:
+ Luôn đảm bảo chuồng nuôi sạch sẽ, khô ráo. Mỗi tuần nên quét dọn phân trên nền chuồng và rắc vôi bột một lần. Một quý nên tổng vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, tiêu độc rãnh phân và sân chơi một lần.
+ Cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, bảo đảm đủ nước uống sạch sẽ. Không sử dụng các loại thức ăn ôi thiu, ẩm, mốc.
- Điều trị:
+ Đối với bệnh giun sán: định kỳ tẩy giun sán 6 tháng một lần.
+ Đối với bệnh do ghẻ: cần tách những con bị bệnh ra khỏi đàn, cắt lông chỗ bị ghẻ, cạo sạch vẩy mụn và bôi Cythion 5% hoặc Ivermectin.
+ Đối với ve, rận: dùng credin hoặc dầu thông bôi vào chỗ ve, rận đốt. Có thể sử dụng Chlorfenvinphos 0,5% để diệt trứng.
2. Bệnh viêm phổi
Bệnh thường xuất hiện vào những thời kỳ chuyển mùa từ thu sang đông hoặc đầu mùa xuân. Các yếu tố bất lợi của môi trường như nhiệt độ thấp, gió lùa, chuồng trại ẩm ướt, chật, mất vệ sinh, dê bị dính nước mưa... làm tăng tỷ lệ dê mắc bệnh.
Dê bị bệnh có biểu hiện sốt cao, kém ăn, mệt mỏi, ủ rũ, nằm một chỗ, có thể chảy nước dãi, nước mũi, ho và khó thở. Trường hợp bệnh nặng và không được điều trị kịp thời dê dễ bị chết. Bệnh có thể chuyển sang dạng mãn tính, ốm yếu, gầy còm và rất khó hồi phục lại.
- Phòng bệnh:
+ Giữ chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Định kỳ tẩy uế chuồng nuôi bằng nước vôi 10% hoặc axit phenic 2%;
+ Cho dê ăn uống tốt, bảo đảm đủ dinh dưỡng; thức ăn, nước uống phải sạch sẽ;
+ Phát hiện sớm những con dê bị bệnh, nuôi cách ly và điều trị kịp thời.
- Điều trị:
+ Điều trị nhiễm khuẩn sử dụng một trong các loại kháng sinh sau đây trong 4 – 5 ngày liên tục: Tylosin, liều 11 mg/kg khối lượng/ ngày; Gentamycine, liều 15 mg/kg khối lượng/ngày; Streptomycine, liều 30 mg/kg khối lượng/ngày.
+ Trợ sức và hộ lý:
Dùng vitamin B1, vitamin C.
Truyền tĩnh mạch huyết thanh mặn hoặc ngọt đẳng trương.
Chăm sóc và nuôi dưỡng tốt.
3. Hội chứng tiêu chảy
Hội chứng tiêu chảy thường gặp ở dê non. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, vi - rút, nhưng nhiều khi do giun đũa hoặc cầu trùng.
Bệnh thường phát vào những ngày nóng, ngày quá lạnh hoặc mưa nhiều, ẩm ướt. Tỷ lệ mắc bệnh cao khi nhốt dê trong điều kiện chật chội, vệ sinh kém; thức ăn kém chất lượng, bẩn, ướt, thối, mốc.
Dê bệnh bị tiêu chảy với các mức độ khác nhau, có khi phân rất loãng, mùi hôi thối, hậu môn dính bê bết phân. Dê bị mất nước, mệt mỏi, ủ rũ, kém ăn, gầy sút nhanh, tai lạnh, mắt nhợt nhạt.
- Phòng bệnh:
+ Nuôi dưỡng tốt dê non: cho ăn đủ sữa và thức ăn chất lượng tốt; uống nước sạch;
+ Luôn giữ chuồng nuôi ấm áp, khô ráo và sạch sẽ. Cần tập trung phân ủ để diệt trứng giun, sán.
- Điều trị:
+ Trước khi tiến hành điều trị bệnh, cần xem xét nguồn thức ăn, nước uống: thức ăn ôi, mốc; sữa để lạnh, dụng cụ chứa sữa không hợp vệ sinh; nước uống bẩn... để loại trừ.
+ Trường hợp bệnh nặng: Đối với dê trưởng thành, nên tiêm Genta-Tylan hoặc Colistin, liều 5 – 7 ml/con.
+ Trường hợp bệnh nhẹ, có thể cho dê ăn hoặc uống các loại lá chát như lá hồng xiêm, lá ổi, lá chè xanh.
Bắc Hà