00:00 Số lượt truy cập: 3040068

Bình Dương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước chuyển đổi số, xây dựng mô hình “Làng thông minh” 

Được đăng : 03/10/2022

du-khach
Du khách tham quan vườn bưởi tại cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ

Trọng tâm của định hướng này là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp Bình Dương, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Bình Dương quyết liệt cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP. Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa giá trị sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản tăng 2,5-3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%; diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%. Các mục tiêu này được củng cố bằng việc tăng cường nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Đặc biệt, thông qua các chính sách khuyến khích, Bình Dương nỗ lực tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò chủ lực trong phát triển sản xuất công nghệ cao.

Về mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, Bình Dương thận trọng triển khai từng bước để đảm bảo phù hợp với năng lực sản xuất của tỉnh và nhu cầu thực tế của thị trường. Theo đó, tỉnh trước hết tập trung thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất lâu đời, các trang trại lớn, chuyên nghiệp, có quy mô lớn, có nguồn tiêu thụ ổn định, để chuyển đổi dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua đó giúp hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy, tạo động lực, nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện hữu. Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương phấn đấu có 2% diện tích trồng cây ăn quả và cây rau chủ lực ở các vùng sản xuất tập trung đảm bảo theo hướng nông nghiệp hữu cơ; tăng thêm khoảng 1% diện tích trồng rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ; 1% sản lượng sản phẩm chăn nuôi theo hướng hữu cơ.

Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử

Cùng với xu thế chuyển đổi số, hướng tới thành phố thông minh đang diễn ra mạnh mẽ tại Bình Dương, ngành nông nghiệp tỉnh cũng xây dựng kế hoạch chuyển đổi số. Ba mục tiêu lớn trong kế hoạch của ngành là: (1) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị theo chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh; (2) Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, an toàn thực phẩm, giám sát dịch bệnh, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử; (3) Chuyển đổi số trong công tác quản lý nông nghiệp để đề xuất chính sách, điều hành phù hợp và kịp thời dựa trên dự báo, cảnh báo thị trường, cảnh báo dịch bệnh, quản lý quy hoạch. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương đang phối hợp chặt chẽ các với cơ quan, ban, ngành, tổ chức để hợp tác, hình thành các hướng dẫn cụ thể về vận chuyển, kiểm định chất lượng, xây dựng thương hiệu nông nghiệp, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử,...

Ngoài ra, chuyển đổi số còn tạo điều kiện để ngành nông nghiệp tỉnh tiến sâu hơn và hiệu quả hơn vào thương mại điện tử. Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử chính là trụ cột quan trọng để đẩy mạnh và phát triển thương mại, phát triển kinh tế số cho các quốc gia. Đối với sản xuất nông nghiệp - một ngành còn gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ, cũng như phụ thuộc nhiều vào các công ty gia công - chế biến, thì thương mại điện tử là phương thức rất mạnh mẽ, giúp kết nối nhanh chóng giữa nhà nông và nhà sản xuất - nhà chế biến - thị trường tiêu thụ, là cơ hội mở rộng giao thương ra khu vực và quốc tế, gia tăng lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, Bình Dương đang quyết liệt thúc đẩy thương mại điện tử, hình thành nhiều kết cấu hạ tầng, nền tảng quan trọng. Tiêu biểu như việc Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương gia nhập Hiệp hội các Trung tâm Thương mại Thế giới vào năm 2019, góp phần quan trọng vào bứt phá thương mại và dịch vụ, đưa Bình Dương trở thành điểm giao thương quốc tế. Đặc biệt, Tổng Công ty Becamex và công ty đầu tư Warburg Pincus (Hoa Kỳ) đang xây dựng Khu thử nghiệm về Thương mại điện tử xuyên biên giới đặt tại Thành phố mới Bình Dương. Khu vực này nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ, tập trung vào hậu cần cho thương mại điện tử tại Bình Dương, đồng thời để thu hút nguồn nhân lực và chất xám trong lĩnh vực này. Song hành với việc xây dựng các kho ngoại quan là việc ứng dụng nền tảng công nghệ với sự tham gia của tất cả các thành phần liên quan. Đây sẽ là đòn bẩy cho ngành nông nghiệp tỉnh tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình Làng thông minh

Kết thúc năm 2018, Bình Dương cán mốc 100% xã đạt nông thôn mới. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh lộ trình theo định hướng Trung ương, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tỉnh chủ trương đi từng bước vững chắc, không chạy theo hình thức, chú trọng chất lượng với mục đích chính là nâng cao đời sống cư dân nông thôn. Trong giai đoạn 2020-2025, mục tiêu đặt ra là 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 24% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tiến tới hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện mục tiêu, Bình Dương thúc đẩy xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình Làng thông minh. Đây là mô hình được Liên minh châu Âu định nghĩa là “Cộng đồng ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp sáng tạo để tăng cường khả năng phục hồi, dựa trên các thế mạnh và cơ hội của địa phương. Cộng đồng dựa vào cách tiếp cận hợp tác giữa nhiều bên để phát triển và thực hiện các chiến lược nhằm cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt bằng cách huy động các giải pháp do công nghệ kỹ thuật số cung cấp. Làng thông minh được hưởng lợi từ sự hợp tác và liên minh với các cộng đồng và các tác nhân khác ở khu vực nông thôn và thành thị”. Mô hình này đã và đang được ứng dụng thành công ở nhiều địa phương trên thế giới như Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Israel...

Tại Bình Dương, Làng thông minh được tiếp cận như là nơi tập trung các sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng như: công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, khu vực đáng sống, bảo vệ môi trường xanh - sạch,... Trong tương lai, đây sẽ là nơi đáng sống, thân thiện với môi trường thiên nhiên, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh cho Bình Dương.

Bước đầu Bình Dương đã thí điểm mô hình tại xã Bạch Đằng của thị xã Tân Uyên, để thống nhất được các khái niệm và cách tiếp cận Làng thông minh, tạo tiền đề hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong thời gian tới. Tỉnh chủ trương đảm bảo việc xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh là quá trình thường xuyên, liên tục hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, đảm bảo hài hòa các hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa. Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh cũng đã khuyến khích tạo điều kiện để các huyện thị phối hợp các viện, trường, doanh nghiệp thực hiện các nghiên cứu khoa học về mô hình độc đáo này, gắn với điều kiện của địa phương.

Mai Loan