Vùng đất Bình Thuận được nhắc đến với thế mạnh sản phẩm nông nghiệp là cây thanh long. Tuy nhiên, ngoài những vùng sản xuất thanh long chủ lực, còn nhiều vùng nông sản khác. Những năm gần đây, việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp một số loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, nhiều hộ từ thoát nghèo vươn lên trở thành giàu có. Điển hình như ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh, bà con nông dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình từ trồng cây cao su sang trồng rau thủy canh công nghệ cao.
Vườn rau thủy canh của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hòa, ngụ tại thôn 3, xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh
Nhìn diện tích hàng ngàn mét vuông rau sạch của Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Tiến Phát đang đến ngày thu hoạch, chị Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc HTX cho biết, HTX hiện nay có trên 33 hội viên, diện tích trồng rau thủy canh là gần 2.000 m2. Từ ngày chuyển đổi sang mô hình trồng rau sạch thủy canh công nghệ cao, các hộ nông dân của xã Vũ Hòa đã thoát nghèo bền vững và ngày càng có cuộc sống ổn định hơn, thu nhập bình quân từ 7-9 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng khi trồng các cây nông nghiệp khác.
“Chỉ tính riêng trong gia đình tôi, mỗi năm thu nhập từ trồng rau thủy canh đạt khoảng 300 - 350 triệu đồng. Trước kia, gia đình chỉ trông vào thu nhập từ cây cao su, tuy nhiên làm cây cao su rất vất vả, phải bỏ vốn nhiều. Sau khi thấy trồng cây cao su cho hiệu quả không cao, tôi đã lên mạng tìm hiểu về mô hình trồng rau thủy canh và thông qua hướng dẫn của Hội nông dân xã Vũ Hòa, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi 300 m2 đất trồng cây cao su sang trồng rau thủy canh công nghệ cao. Sau 1 năm trồng rau thủy canh thấy có hiệu quả và năng suất cao, chúng tôi tiếp tục nhân rộng diện tích trồng rau lên 600 m2 và hiện nay gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng cao su khoảng 1.200 m2 sang chuyên trồng rau thủy canh”, chị Nguyễn Thị Hòa cho biết thêm.
Với mức giá bán các loại rau thủy canh của HTX Rau an toàn Tiến Phát thời điểm hiện nay trung bình dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg; riêng rau tần ô, xà lách, cải bó xôi là 50.000 đồng/kg, thu nhập của các thành viên HTX được đảm bảo, ổn định được đời sống sản xuất. Trang trại rau thủy canh công nghệ cao tại HTX Rau an toàn Tiến Phát tại xã Vũ Hòa đã được chứng nhận VietGap, Chứng nhận sản phẩm an toàn cho sản phẩm OCOP. Đầu ra cho sản phẩm rau xanh của Tiến Phát cũng khá ổn định khi được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng. Những sản phẩm rau sạch này đã và đang có mặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và các tỉnh, thành khác.
Thông tin từ ông Trần Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa, “Nhờ chuyển đổi mô hình nông nghiệp hiệu quả, đã nâng mức thu nhập cho người dân Vũ Hòa lên cao. Nếu như năm 2013, thu nhập bình quân của người dân trong xã mới đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm, thì hiện nay đã đạt 49,4 triệu đồng/người/năm”
Trong năm 2020 – 2021, HTX Rau an toàn Tiến Phát đã được Nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư để các thành viên tham gia mở rộng diện tích trồng rau xanh thủy canh công nghệ cao. "Để mô hình này được nhân rộng ra toàn huyện, chúng tôi hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sớm có định hướng và hỗ trợ nông dân về nguồn vốn đầu tư. Nguồn vốn này cũng cần có các chính giảm ưu đãi về lãi suất, thời gian trả gốc và lãi phù hợp... Các cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn nông dân sản xuất liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, có thể kí kết cung ứng hàng hóa theo hợp đồng hàng năm… Với những kế hoạch từng khâu rõ ràng, mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao tại xã Vũ Hòa sẽ được phát triển mạnh mẽ và nhân rộng ra toàn huyện Đức Linh, Bình Thuận”, ông Huỳnh Văn Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết,
Ánh Dương