Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), dù ảnh hưởng của COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản nhưng nhưng toàn ngành đã đạt được những kết quả cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt trên 3,82% 'đạt đỉnh' trong 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu đạt 22,58 tỉ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020,
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng đạt khá. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt trên 3,6%, trong đó nông nghiệp tăng 3,51%; lâm nghiệp tăng 3,5; thủy sản tăng 4,1%. Hiện cả nước đã gieo cấy được khoảng 5,23 triệu ha lúa, tương đương cùng kỳ năm 2020. Năng suất lúa ước đạt 67,7 tạ/ha, tăng khoảng 1,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 21,58 triệu tấn, giảm 0,66 triệu tấn. Đặc biệt là lúa Đông Xuân đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay (68,3 tạ/ha); chăn nuôi lợn phục hồi và chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, bảo đảm cơ bản nhu cầu thực phẩm trong nước. Tổng đàn lợn và gia cầm thời điểm cuối tháng 6 ước tăng lần lượt 11,6% và 5,4% so với cùng thời điểm năm trước, tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 3,16 triệu tấn, tăng 22,58% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại các thị trường nước ngoài tăng trở lại, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 2,8%; trong đó, tôm nuôi có sự phát triển khá mạnh với mức 17%.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã có sự tăng mạnh 28,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt kết quả cao 24,23 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra. trong đó nông sản chính 10,40 tỉ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4,05 tỉ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỉ USD, tăng 61,5%. Cao su, điều, rau quả, sắn... là mặt hàng tăng cao về cả giá trị và sản lượng.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, vụ trưởng Vụ Kế hoạch, thị trường xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 có sự chuyển hướng khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch khoảng 6,7 tỉ USD (tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 27,9% giá trị xuất khẩu). Trung Quốc đứng thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu 4,75 tỉ USD (tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu).
Đây là kết quả nhờ vào sự nỗ lực của DN xuất khẩu trong việc ứng phó linh hoạt với các diễn biến phức tạp về dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng như nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như gạo, trái cây, thủy sản, gỗ… Sự tăng trưởng này có được là nhờ vào tránh được tình trạng tập trung vào một số ít thị trường truyền thống, tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, nỗ lực mở cửa thị trường, tận dụng lợi thế từ các FTA...
Tuy nhiên, theo Thứ Trưởng Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang đối diện nhiều thách thức, cơ cấu lại nông nghiệp mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng chưa đồng đều. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế, tác động của dịch Covid-19, khiến nhu cầu nhiều mặt hàng nông sản bị giảm sút. Trong khi đó, công nghệ chế biến trong nước chưa đáp ứng nhu cầu.
Trước những thách thức, 6 tháng cuối và cả năm 2021 để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,2%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2 - 3,5%, Bộ NN&PTNT đặt ra nhiệm vụ: ngành nông nghiệp tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm – thủy sản, bám sát diễn biến từ thị trường quốc tế để có những điều chỉnh phù hợp. Tập trung và khai thác những sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường, các ngành hàng sẽ tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại để tháo gỡ rào cản và thâm nhập thị trường mới. Cùng với đó, giải quyết khó khăn về thủ tục thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời các loại nông sản chính như nhãn, cam, thanh long… cho người dân, khắc phục tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất.
Lan Phương