Anh chia sẻ: Bắt tay vào khởi nghiệp từ những năm 2003, sau khi tốt nghiệp Khoa báo chí, Trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, anh Hải có 4 năm công tác tại Đài phát thanh huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) và báo Thanh Hóa. Sau 4 năm công tác anh rất yêu nghề báo nhưng ngày ấy đồng lương ít ỏi, gánh nặng kinh tế gia đình nên không thể theo đuổi được đam mê. Khi quyết định bỏ nghề báo, anh đã trăn trở rất nhiều nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập không đủ chi tiêu trong cuộc sống nên anh Hải đã đi đến quyết định bỏ nghề để vào miền Nam lập nghiệp.
Sau khi vào Nam lập nghiệp, anh Hải và một người em cùng quê làm vệ sĩ. Được một thời gian, anh cùng hai người bạn ra Hà Nội thành lập công ty vệ sĩ, anh Hải đảm nhiệm chức Phó giám đốc công ty. Lúc bấy giờ, bản thân anh nghĩ tương lai của anh sẽ gắn bó với nghề này. Cái duyên với nghề nuôi ốc đến với anh trong một lần về quê, thấy đồng ruộng trù phú nhưng bà con canh tác không đạt hiệu quả, nhiều diện tích bị bỏ hoang, anh Hải thấy xót xa. Anh nung nấu ý định sẽ "hồi sinh" những vùng đất hoang để mang lại giá trị kinh tế. Nghĩ là làm, anh bỏ ngang chức Phó giám đốc công ty vệ sĩ, về quê thầu lại hơn 2 ha đồng chiêm trũng rồi thử nghiệm trồng mướp hữu cơ, kết hợp ao nuôi cá. Theo anh Hải, những ngày đầu khi bắt tay vào trồng mướp, dù năng suất cây trồng tốt nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cho đến khi tình cờ biết và chuyển sang nuôi ốc nhồi, hướng đi mới này thực sự mang lại thành công cho anh.
Năm 2014, trong một lần tình cờ đi ăn ở nhà hàng, anh thấy món ốc nhồi được nhiều thực khách yêu thích và sử dụng, đem lại lợi nhuận cao. Trong khi đó, ốc nhồi tự nhiên ngày càng khan hiếm, nếu nuôi được thì đây sẽ là mặt hàng bán rất chạy. Đến năm 2015, khi cảm thấy vốn kiến thức đã kha khá, anh "dốc túi" cải tạo lại ao, hệ thống chuồng trại được anh Hải đầu tư xây dựng bài bản đầu tư nuôi ốc. Đồng thời, anh Hải cùng người em từng làm công ty vệ sĩ liên kết mở công ty chuyên cung cấp ốc thịt và giống.
Anh bắt đầu tìm hiểu và học hỏi những người có kinh nghiệm về nuôi ốc nhồi. Lần đầu thử nghiệm, anh bỏ ra hơn 3 triệu đồng mua ốc nhồi của bà con bắt tự nhiên thả xuống ao nuôi cá của mình. Thế nhưng, ốc chuẩn bị thu hoạch thì bị chết. Suốt thời gian sau đó, anh liên tiếp thất bại, thậm chí là thua lỗ nặng. Có thời điểm thất bại và gần như trắng tay, gia đình bạn bè có can ngăn nhưng vì đã chọn rồi thì anh quyết tâm làm đến cùng không nản lòng, anh đi khắp các trang trại nuôi ốc trong tỉnh để học hỏi thêm kinh nghiệm, nghiên cứu tìm tòi trên các trang mạng, báo đài, đúc kết kinh nghiệm. Sau khi có kiến thức vững vàng, anh quyết định đầu tư vốn liếng, vận động người thân, bạn bè cho vay vốn. Anh Hải tâm sự, ốc nhồi sau khi nuôi khoảng 3 tháng có thể thu hoạch. Mùa thu hoạch ốc nhồi bắt đầu từ tháng 6-12 âm lịch, mùa thu hoạch ốc giống bắt đầu từ tháng 4-10 âm lịch. Sau 2 năm chăm sóc anh đã nhận được thành quả xứng đáng. Hiện, anh đang liên kết với nhiều người dân theo hướng cung cấp con giống và thu mua ốc thịt với số lượng lớn. Ốc sau khi thu mua về sẽ được cung cấp cho thị trường phía Bắc và miền Trung. mô hình ốc nhồi của anh đạt đỉnh từ năm 2017. Đến nay, anh đang sở hữu trại ốc rộng hơn 2,4 ha. Anh Hải cho biết, Hiện, trung bình mỗi năm, anh Hải bán ra thị trường hơn 10 tấn ốc thịt, giá 70.000-100.000 đồng/kg và 1 triệu con ốc giống, giá bán từ 300-500 đồng/con, trừ chi phí anh thu về hơn 1 tỷ đồng/năm.
Mô hình kinh tế của gia đình anh không những giúp gia đình anh trở lên giàu có, có của ăn của để mà còn tạo điều kiện giúp đỡ cho hơn 300 hộ dân ở huyện Quảng Xương đã có nguồn thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm. Gia đình anh luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, liên tục được công nhận là gia đình văn hóa. Bằng sức lao động và tinh thần vượt khó vươn lên, anh xứng đáng là tấm gương điển hình tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất giỏi ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Tinh thần không ngừng nỗ lực phấn đấu nỗ lực vươn lên làm giàu chính trên mảnh đất quê hương, anh là tấm gương sáng cho các hộ nông dân học tập noi theo.
CTH