Đài truyền thanh cơ sở- một phương tiện trong tuyên truyền giảm nghèo thông tin rất hiệu quả ở các địa phương
Nhận thấy tầm quan trọng của truyền thanh cơ sở trong công tác giảm nghèo, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã ban hành Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống đài truyền thanh cấp xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó xác định, công tác tuyên truyền phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, như: Thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chính sách hỗ trợ người dân thiếu vốn, thiếu đất sản xuất; đề án phát triển giáo dục; biểu dương các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, gương điển hình thoát nghèo để nhân rộng trong cộng đồng.
Được biết, hiện nay 14/14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bạch Thông đều có đài truyền thanh, trong đó 09 đài vô tuyến FM (gồm: Cao Sơn, Sỹ Bình, Vũ Muộn, Vi Hương, Cẩm Giàng, Nguyên Phúc, Mỹ Thanh, Quang Thuận, Dương Phong) và 05 đài hữu tuyến (gồm: Tân Tú, Quân Hà, Lục Bình, Đôn Phong, thị trấn Phủ Thông). Một số xã hệ thống loa truyền thanh chỉ được lắp đặt và hoạt động tại cụm trung tâm xã và một số vùng lân cận.
Xã Vi Hương là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bạch Thông. Với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 2.087 ha, xã có 9 thôn với 622 hộ, 2.626 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mường cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Do đó, xã Vi Hương là một trong những xã của huyện được chọn đầu tư về đài phát thanh thông minh (nâng cấp hệ thống loa truyền thanh thông minh, cài phần mềm chuyển văn bản sang âm thanh thông qua nền tảng AI) từ Dự án của HĐND tỉnh. Đây là hệ thống đài phát thanh ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, chỉ cần cán bộ xã soạn thảo văn bản nội dung thông tin, sử dụng phần mềm chuyển văn bản thành giọng đọc và chọn thời gian phát thanh. Những nội dung cần thông báo sẽ được truyền đến người dân thông qua 12 điểm loa không dây, sử dụng nền tảng “Text-2-speech” sóng FM để thông minh hóa.
Theo như người dân địa phương chia sẻ, từ ngàyđài phát thanh hoạt động thường xuyênviệc tiếp cận thông tin, chính sách của Nhà nước của người dân không còn bị hạn chế, cuộc sống cũng văn minh hơn, người dân được nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đổi mới tư duy kinh tế, đã có nhiều hộ làm ăn kinh tế khá giả hơn…
Bên cạnh đài phát thanh thông minh, hiện nay xã Vi Hương cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số phục vụ đời sống.
Vừa qua, 9/9 thôn trên địa bàn xã được cài đặt sổ sức khoẻ điện tử do UBND xã thành lập. Với mục đích giúp mỗi người dân tự cập nhật, quản lý thông tin sức khoẻ từ đó chủ động chăm sóc sức khoẻ của mình.
Hiện nay, trên địa bàn xã internet đã được phủ sóng, mọi người dân đều được tiếp cận thông tin đa chiều nên cuộc sống văn minh, hiện đại hơn. Đã có nhiều người học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) ứng dụng khoa học kỹ thuật… thông qua internet.
Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc Hợp tác xã Thiên An ở thôn Nà Ít cho biết, nhờ có mạng internet hợp tác xã đã thành lập trang web, Fanpage (trên Facebook) giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp; kết nối thương mại điện tử trên các sàn như Postmart, Tiki, Shopee... làm các gian hàng để bán các sản phẩm trên đó. Nhờ đó, số lượng đơn hàng của HTX ngày càng cao, tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng.
Giờ đây, mọi người đều có thể bắt gặp hình ảnh những người nông dân trong xã có thể gọi điện thoại thông minh gọi video trực tuyến để liên hệ và nhận hỗ trợ từ đơn vị cung ứng giống; học trực tuyến kỹ thuật nuôi trồng, canh tác...