Ảnh minh họa
1. Thiết kế đai rừng phòng hộ
- Thiết kế đai rừng phòng hộ ven biển rộng khoảng 50m (15 đến 20 hàng cây) dọc theo bờ biển để chắn gió, chống cát bay.
- Thiết kế rừng phòng hộ để hạn chế di động của những cồn cát, thường trồng rừng theo đường đồng mức bao quanh cồn cát từ chân lên đỉnh cồn cát. Loài cây thường trồng là Phi lao, trồng với mật độ 5.000 đến 10.000 cây/ha.
- Thiết kế đai rừng phòng hộ nội đồng che chắn những hướng gió mạnh trong nội đồng. Đai rừng phòng hộ nội đồng thường rộng khoảng 5m đến 10m (3 đến 5 hàng cây) bao quanh khu đất của một số hộ (liên hộ). Loài cây trồng rừng phòng hộ nội đồng thường là Phi lao, Bạch đàn, Keo, Sò đo và Xoan chịu hạn.
2. Thiết kế lô đất canh tác của từng hộ
- Thiết kế hàng rào bảo vệ quanh lô đất vừa trực tiếp chắn gió vừa ngăn chặn gia súc vào phá hoại cây trồng. Thường trồng cây Cọc rào (Jatropha curcas L), cây Keo dậu (Leucaena leucocephala Lamk de wit), cây Vông (Erythrina indica L) và những cây có gai...
- Thiết kế hệ thống cấp nước, dẫn nước từ kênh, mương vào ao chứa nội bộ, đào giếng, khoan giếng, hệ thống dẫn nước trong lô canh tác nông nghiệp.
- Thiết kế hệ thống thoát nước ở những nơi có nguy cơ ngập úng do mưa lớn, chủ yếu đào mương thoát nước đủ lớn để hạn chế ngập úng dài ngày.
- Thiết kế hệ thống điện từ nguồn điện lưới hoặc máy phát điện để bơm nước tưới hoặc thắp sáng cho cây (thanh long) phải đảm bảo an toàn và tiết kiệm.
- Thiết kế đường đi nội bộ hợp lý với những lô đất canh tác lớn để tiện đi lại, vận chuyển vật liệu và sản phẩm.
3. Kỹ thuật trồng cây
- Thời vụ trồng: Cần xác định rõ thời vụ trồng và chuẩn bị đủ các điều kiện làm đất, cây giống, phân bón để đảm bảo trồng cây đúng thời vụ. Nói chung thời vụ trồng cây vào mùa mưa, với lượng mưa đủ lớn đảm bảo độ ẩm của đất với độ sâu phù hợp cho bộ rễ của cây trồng.
Nhiều năm gần đây, khí hậu có những diễn biến khác thường nên cần lưu ý theo dõi diễn biến thời tiết để xác định đúng thời vụ trồng. Đối với vùng đất khô hạn miền Trung thường có mưa tiểu mãn với lượng nước ít, thời gian mưa ngắn, sau đó nắng hạn kéo dài. Nếu khi thấy mưa mà trồng cây ngay thì nắng hạn sau đó có thể gây ảnh hưởng xấu cho cây.
- Mật độ, khoảng cách cây trồng: Tùy theo loài cây và mục đích trồng mà xác định mật độ và khoảng cách trồng cây phù hợp.
Với các loài cây trồng phòng hộ để chắn gió, che phủ đất có thể trồng dày (1m x 0,5m), (1m x 1m), (2m x 1m).
Cây trồng lấy gỗ thường có khoảng cách: (3m x 2m).
Cây ăn trái thường trồng thưa hơn: (5m x 4m), (5m x 5m), (6m x 5m). Cũng có nơi, có loài cây ăn trái được trồng dày hơn với khoảng cách: (3m x 2m) hoặc (2m x x 2m) nhưng không nhiều.
- Kích thước hố: Trồng cây ăn trái thường đào hố có kích thước lớn 60-80cm, cây lâm nghiệp chỉ cần đào hố ở 30-40cm. Riêng cây trồng ở nơi có tầng cát dày cần đào hố sâu 80-100cm (Phi lao trồng ở cồn cát).
Đặc biệt trồng cây trên sa mạc khô hạn có tầng cát rất dày người ta phải tạo hố sâu tới 2m để tiếp cận với cát ẩm bằng cách cắm xuống cát một ống nhựa sâu 2m sau đó dùng máy hút bụi hút hết cát trong lòng ống nhựa. Cây trồng có rễ dài 2m được tạo bằng phương pháp thủy canh, rễ cây được thả vào lòng ống nhựa, sau đó rút ống lên, cát sẽ lấp đầy hố. Trồng cây theo cách này rất công phu nhưng có được một đám rừng trên sa mạc khô hạn mang ý nghĩa rất lớn đối với môi trường, là căn cứ để tiếp tục tấn công vào sa mạc.
- Trồng cây: Nên đào hố trước 1 đến 2 tuần. Khi đào hố để riêng lớp đất mặt, nếu có điều kiện nên trộn phân bón lót với đất. Khi trồng cây cần xé bỏ túi bầu bằng chất dẻo (nếu có), không làm vỡ bầu cây, đặt cây thẳng và lấp đất dần từng lớp, cuối cùng dùng chân dẫm chặt đất quanh gốc cây. Nếu có điều kiện nên tưới nước ngay sau khi trồng cây.
4. Kỹ thuật chăm sóc
- Làm cỏ, vun gốc: Cỏ quanh gốc cây với bán kính 0,5m đến 1m cần được làm sạch, vun lớp đất mặt vào gốc cây. Lưu ý khi làm cỏ, vun gốc không được cuốc sâu ảnh hưởng đến rễ cây.
- Bón phân: Sử dụng phân bón hợp lý và tiết kiệm tùy theo thành phần dinh dưỡng có trong đất, theo giống cây, tuổi cây, từng thời kỳ sinh trưởng và phát dục của cây. Phân hữu cơ thường tác dụng chậm nên dùng để bón lót, bón sau thu hoạch. Còn phân hóa học tác dụng nhanh dùng khi ra hoa, kết trái.
- Tưới nước: Phải đảm bảo nước tưới cho cây trồng trên vùng đất khô hạn, đặc biệt với cây nông nghiệp, cây ăn trái. Song cần lưu ý đảm bảo nguồn nước tưới không phèn, không mặn, đảm bảo độ ẩm đất thích hợp thường từ 60% đến 80% độ ẩm tối đa cho lớp đất mặt sâu 40cm đến 50cm. Nếu có điều kiện nên áp dụng kỹ thuật (tưới phun, tưới nhỏ giọt) và sử dụng chất giữ ẩm để hạn chế bốc thoát nước, kéo dài thời gian giữ ẩm cho cây trồng.
- Tỉa cành, tạo tán: Đối với cây ăn trái, cần quan đảnh tâm tỉa cành, tạo tán để có được bộ khung vững chắc, cành phân bố đều, đảm bảo đủ ánh sáng, thông khí và tập trung dinh dưỡng cho cây. Nên đốn tỉa về mùa khô để hạn chế xâm nhập của nấm bệnh.
- Hỗ trợ thụ phấn: Đối với một số loài cây ăn trái có hoa đơn tính khác gốc (Chà là ăn quả, Đu đủ...) hoặc một số loài cây có hoa lưỡng tính nhưng không tự thụ phấn được thì cần hỗ trợ thụ phấn bằng các biện pháp mang phấn hoa đến nhụy hoa (có thể sử dụng côn trùng nuôi gần vườn cây hoặc trực tiếp dùng các dụng cụ hỗ trợ thụ phấn). Hỗ trợ thụ phấn sẽ tăng tỷ lệ đậu quả, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
- Điều hòa sinh trưởng: Người ta đã nghiên cứu sử dụng những hóa chất hữu cơ với hàm lượng rất nhỏ tác động đến sinh trưởng và phát triển cây trồng thường được gọi là chất điều hòa sinh trưởng. Nếu có điều kiện sử dụng chất điều hòa sinh trưởng đúng cách, đúng lúc sẽ có hiệu quả cao với cây trồng. Khi sử dụng chất điều hòa sinh trưởng cần nắm vững đặc tính và làm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, làm thận trọng từng bước từ nhỏ đến lớn.
- Phòng trừ sâu bệnh: Chọn giống tốt, cây khỏe, bón tỉa chăm phân, tưới nước, đốn, tỉa hợp lý, thường xuyên chăm sóc cây trồng, kịp thời phát hiện và xác định rõ loại sâu bệnh, khẩn trương xử lý sâu, bệnh đúng thuốc, đúng cách và đúng lúc để diệt tận gốc các loại sâu, bệnh hại cây trồng.
Những giải pháp trên được áp dụng cụ thể khi trồng từng loài cây phù hợp với đặc điểm điều kiện đất đai, khí hậu ở từng nơi.
Đối với những loài cây lương thực, cây ăn trái và một số loài cây lâm nghiệp được trồng phổ biến trên vùng đất khô hạn ven biển miền Trung (Bạch đàn, Keo, Phi lao, Cây Xoan chịu hạn, cây Dầu lai, cây Trôm lấy nhựa, cây Chà là ăn trái và cây cỏ VA06…) đã có nhiều tài liệu hướng dẫn và bà con nông dân cũng nên sưu tầm để tham khảo thêm./.
Hải Thành