Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến đáng kể về ứng dụng công nghệ cao trong một số lĩnh vực, đã tạo ra những kết quả đáng khích lệ về năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi hơn để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, một số địa phương, việc xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhiều lúng túng, đôi khi bất cập và thiếu tính thực tiễn, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao, còn tình trạng lãng phí và chưa bền vững. Nguyên nhân một phần do hạn chế về khả năng xác định những yếu tố công nghệ cao phù hợp với nền nông nghiệp còn nhỏ lẻ, tự phát và hạn chế về năng lực đầu tư tài chính, … Để góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Ả
ảnh minh họa
Thứ nhất, cần xác định đúng công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển gồm: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa. Đây là các lĩnh vực công nghệ được xác định cần ưu tiên tập trung đầu tư phát triển.
Thứ hai, một quy trình sản xuất có thể ứng dụng công nghệ cao ở từng công đoạn (có thể là giống mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, công nghệ nhà kính, kỹ thuật tưới tiêu mới, phân bón sinh học hữu cơ cho hiệu quả cao, biện pháp phòng trừ sâu bệnh mới hiệu quả cao và an toàn, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch hiện đại) nhưng chưa đồng bộ trong suốt chuỗi cung ứng, cần đầu tư đồng bộ.
Thứ ba, công nghệ cao chỉ phát huy tốt hiệu quả khi sản xuất mang tính công nghiệp, đầu tư ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nhiều vốn và quy mô sản xuất tương ứng, trình độ sản xuất tương ứng, trong khi sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát của hộ nông dân. Vì vậy, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các trang trại, gia trại và thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn ở quy mô công nghiệp; cần có định hướng tổ chức phát triển sản xuất, tiếp thị liên kết dưới các hình thức hợp tác xã kiểu mới hoặc công ty liên doanh, … để có quy mô tài chính và điều kiện sản xuất đủ lớn cho đầu tư ứng dụng công nghệ cao, trình độ quản lý cũng cần được nâng cao
Thứ tư, công nghệ cao tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường; hiện đại hóa, công nghiệp hóa các ngành sản xuất, dịch vụ hiện có. Chất lượng theo nghĩa rộng là một chỉ tiêu phức hợp và được đánh giá theo suốt chuỗi cung ứng; lấy hàng hóa làm ví dụ, giá trị của một loại hàng hóa thường được gia tăng đáng kể nhờ cách mà nó được tiếp thị, cách đóng gói, bao bì, phong cách, kiểu dáng trình bày và sự thuận tiện trong phương thức đặt hàng, giao hàng, … Chất lượng bao gồm: Chất lượng kỹ thuật, chất lượng chức năng, chất lượng dịch vụ. Sự đồng bộ về trình độ công nghệ trong mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của mỗi yếu tố công nghệ và của toàn bộ quy trình công nghệ, trong nhiều ngành hàng nông sản còn thiếu tính đồng bộ nên sản phẩm còn thiếu sức cạnh tranh.
Thứ năm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới theo hình thức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông; phối hợp các nhà khoa học, các Viện, Trường, các doanh nghiệp tổ chức các hội nghị, diễn đàn, hội thảo khoa học về công nghệ sinh học tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và phù hợp với xu hướng tất yếu của thị trường.
Trong bối cảnh hội nhập nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức hiện nay, sản xuất nông nghiệp cần phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có hiệu quả cao, tạo sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh; khi đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần nghiên cứu kỹ tính đặc thù của sản xuất nông nghiệp là phụ thuộc nhiều vào điều kiện ngoại cảnh, công nghệ cao được ứng dụng phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng. Để ứng dụng công nghệ cao một cách có hiệu quả, cần đầu tư cải thiện đồng bộ các yếu tố công nghệ trong suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và tổ chức sản xuất, tiếp thị có quy mô tương xứng.