00:00 Số lượt truy cập: 2986395

Cải tiến kỹ thuật chăm sóc chôm chôm tăng năng suất và ra trái đồng loạt 

Được đăng : 30/09/2021

 

Chôm chôm trồng ở Khánh Hòa ra trái (quả) không trùng với thời vụ của các tỉnh, thành ở miền Nam nên người nông dân không lo về “được mùa mất giá”. Song đa phần các vườn chôm chôm của người nông dân ở xã Diên Tân đều cho năng suất thấp, trái không ra đồng loạt, rất khó cho khâu bảo vệ và thu hoạch. Qua quan sát anh Nguyễn Trọng Triết ở xóm 2, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòanhận thấy đa số các vườn chôm chôm trồng dày, ít tỉa, tán chạm tán, sử dụng nhiều phân hóa học nên dễ bị sâu, bệnh và đất chai cứng. Qua quá trình sản xuất và tham khảo tài liệu anh đã đưa ra sáng kiến cải tạo kỹ thuật chăm sóc chôm chôm tăng năng suất và ra trái đồng loạt. Giải pháp của anh có ưu điểm là kỹ thuật sản xuất dễ thực hiện, cây ra trái tập trung, hiệu quả kinh tế tốt. Khi chôm chôm còn nhỏ có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày để tăng thu nhập, lấy ngắn nuôi dài.

Nội dung chính kỹ thuật cải tiến chăm sóc chôm chôm gồm đất trồng: thiết kế vườn thoát nước tốt để tránh úng, ngập. Làm đất kết hợp trồng: đào hố trước 15 ngày, rải vôi và các loại thuốc bảo vệ thực vật để khử phèn và các loại côn trùng gây hại. Kích thước hố: rộng 60 - 80 cm, sâu 55 - 75 cm, bố trí khoảng cách cây cách cây 7 x 7 m. Trộn 10 - 20 kg phân chuồng hoai mục với
0,5 - 1 kg vôi, phân NPK 20 - 20 - 15 từ 200 - 300 g; 20 g Regent cùng đất mặt lấp đầy hố trồng, trồng bầu cây ngang mặt đất. Thời gian trồng từ tháng 8 - 9 dương lịch. Chọn cây giống phải chọn mua từ những vườn ghép uy tín, để tránh cây bị lai tạp và sau này bị thoái hóa; lựa những cây đã ghép khoảng 4 - 5 tháng tuổi, gốc ghép thẳng, đường kính 0,8 - 1,2 cm, không có vết thương, trầy xước trên thân cây, cây chưa phân cành, cao khoảng 60 cm. Chăm sóc cây thời kỳ kiến thiết cơ bản (chưa có trái): Làm cỏ thường xuyên bằng cuốc, hoặc phun thuốc hóa học. Lúc cây còn nhỏ chưa khép tán có thể trồng cây họ đậu hoặc trồng cỏ voi cho bò nhưng phải cách xa gốc chôm chôm 1,5 - 2,5 m để cỏ voi không tranh chấp dinh dưỡng với chôm chôm. Tưới nước: Cung cấp đủ nước cho cây và các giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Lúc cây còn nhỏ phải tưới 3 lần/tuần. Thời tiết nắng nóng phải tưới 2 lần/ngày. Phải tưới đủ nước lúc chôm chôm ra hoa kết trái và tháo nước kịp thời khi mưa dầm. Khi cây cao 70 - 100 cm thì tiến hành tỉa cành, tạo tán: bấm đọt, tỉa cành yếu, cành khô, cành nhỏ, chỉ giữ lại 3 - 4 cành khỏe mạnh, đều nhau, canh giữ cho các cành xòe đều.
Chăm sóc cây khi cho thu trái: Hằng năm sau thu hoạch cắt bỏ những cành đã ra trái và những cành vượt, cành trong tán, cắt bỏ những cành mọc từ gốc ghép và các cành sâu bệnh.Treo những hộp băng nhựa có đục lỗ, bỏ long não (băng phiến) vào trong để xua đuổi côn trùng gây hại, phương pháp này khá hiệu quả, hạn chế việc dùng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, tồn dư độc chất trong trái chôm chôm. Thường xuyên theo dõi các chùm quả chôm chôm để loại bỏ những trái bị eo nhỏ, méo mó không hiệu quả, để cho toàn bộ chùm chôm chôm đẹp mắt, hấp dẫn người tiêu dùng. Hằng năm hai lần đào rãnh sâu 20 cm quanh tán cây để bón phân chuồng làm cho đất tơi xốp. Lần 1 trước mùa mưa; lần 2 là sau thu hoạch. Khi chôm chôm ra hoa bón thêm phân NPK loại 13-13-13, để cây tăng khả năng đậu trái.

Khi cây đã cho thu hoạch thì công chăm sóc ít, thu hoạch tập trung, người trồng thu được lợi nhuận khá lớn. Khi ứng dụng kỹ thuật này tác giả đã có thu nhập cao hơn 30% so với trước đây. Mỗi cây chôm chôm trưởng thành cho 1,5 - 2 tạ, giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. 

Hiện nay xã Diên Tân đã có rất nhiều hộ làm theo mô hình này thu được hiệu quả kinh tế cao. Thời vụ thu hoạch ở Khánh Hòa khác với ở miền Tây nên khi tiêu thụ sản phẩm chôm chôm của địa phương rất được giá và chất lượng. Bà con nông dân cần tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật có thể liên hệ với anh Triết theo số điện thoại: 0915841384.

 

 

                                                                                      Tiến Trình