Cải tiến kỹ thuật nhân giống ong nội và nuôi lấy mật
Xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng là một trong những địa phương triển khai thực hiện dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Nhật Bản tài trợ. Diện tích rừng ngập mặn của xã vào khoảng 650ha và hàng năm vẫn được trồng mới.
Khi những cây được trồng tại rừng ngập mặn (chủ yếu gồm: vẹt, sú, bần, trang và hệ thống cây, dây leo...) bắt đầu cho hoa, cũng là lúc những hộ nuôi ong mật ở nhiều nơi di chuyển đàn ong về khu vực rừng ngập mặn của Đại Hợp để ong hút mật hoa. Thấy người dân từ nơi khác đổ về nuôi ong lấy mật tại khu rừng ngập mặn của địa phương mình, anh Đặng Thanh Tùng ở thôn Đại Đồng, xã Đại Hợp đã vừa làm thuê cho những hộ nuôi ong để kiếm tiền, vừa tranh thủ tìm hiểu về quy trình kỹ thuật chăm sóc ong lấy mật. Khi đã học hỏi được những kinh nghiêm quý báu cùng với tâm nguyện gắn bó với nghề nuôi ong, anh Tùng đã quyết tâm nuôi thử nghiệm 2 đàn, đến nay đàn ong của anh đã lên đến hơn 200 đàn.
Tận dụng lợi thế rừng ngập mặn, sú, vẹt có hoa quanh năm, luôn sạch, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, anh đã lựa chọn dùng giống ong nội thay cho giống ong ngoại của Ý đang dùng phổ biến hiện nay. Sáng chế, cải tiến kỹ thuật của anh đã khắc phục được những hạn chế trong nghề nuôi ong lấy mật, sử dụng giống ong nội, đồng thời tạo được nguồn mật ong chất lượng cao, mật sánh vàng, bảo quản nhiều năm vẫn giữ nguyên chất lượng, không có hiện tượng kết tinh đường dưới đáy chai.
Các kỹ thuật được cải tiến của anh là: Tạo ra ong chúa từ những đàn giống khỏe, giống tốt, thường xuyên thay ong chúa một năm hai lần vào tháng 5 và tháng 10 dương lịch. Tạo thế đàn khỏe từ 4 đến 6 cầu, khoảng 5 đàn ong thợ. Nới rộng diện tích khung, cầu của thùng nuôi ong lên với kích thước 36 x 23 cm, so với cách nuôi truyền thống là 33 x 20 cm; cải tiến thùng quay mật để khi quay không ảnh hưởng đến ấu trùng và chất lượng mật. Nắm chắc quy luật hoa nở nhằm điều chỉnh đàn ong đúng thời điểm lấy mật để tăng năng suất lấy mật.
Về kỹ thuật, đã chọn ong chúa nhân tạo từ những đàn giống khỏe, giống tốt cho các đàn ong; phương pháp thay ong chúa trong cùng một thời điểm cho một đàn ong có 2 ong chúa ở thời gian đầu xây dựng đàn là kỹ thuật đặc biệt hiện chưa có người công bố. Đến nay, anh đang nuôi hơn 200 đàn ong, cung cấp ra thị trường khoảng hơn 2.000 lít mật, doanh thu đạt trên 500 triệu đồng/năm.
Giải pháp đã phát huy được lợi thế của rừng ngập mặn, sú, vẹt có hoa quanhnăm nên sản phẩm mật ong luôn sạch, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Trong suốt 10 năm qua, sản phẩm mật ong của gia đình tác giả và các gia đình nuôi ong ở địa phương được thị trường ưa chuộng. Đã tạo được việc làm cho các thành viên trong gia đình, một số người dân địa phương và các vùng lân cận, làm thay đổi tư duy người lao động, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của bà con nông dân, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Giải pháp của anh có thể được áp dụng rộng rãi, sau khi được tập huấn, hướng dẫn, các địa phương có đặc điểm tự nhiên như xã Đại Hợp đều có khả năng áp dụng. Góp phần duy trì, bảo tồn được khu rừng ngập mặn ven biển, giúp người dân làm kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tiến Trình