00:00 Số lượt truy cập: 2986352

Cải tiến kỹ thuật trồng xoài ghép trên đất ven đồi đạt hiệu quả kinh tế cao 

Được đăng : 28/09/2021

 

Trong những năm gần đây, nhiều hộ gia đình trồng mì, sắn, xoài canh nông, keo, bạch đàn đã chuyển sang trồng các giống xoài Đài Loan, xoài Thái Lan, xoài Úc được nhân giống bằng phương pháp ghép (nông dân địa phương gọi chung là xoài ghép). Song do nhiều hộ chọn phải giống kém và chưa nắm vững kỹ thuật nên đến thời kỳ thu hoạch năng suất không đồng đều, chất lượng thấp, hiệu quả không cao. 

Từ việc tiếp thu kỹ thuật, rút kinh nghiệm từ thực tế và sự say mê, dày công nghiên cứu, ứng dụng, thực nghiệm, hai anh Ngô Xuân Đức và Võ Trung Hưởngthôn Bình Trung 2, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã tìm ra được giải pháp sáng tạo “Cải tiến kỹ thuật trồng xoài ghép trên đất ven đồi đạt hiệu quả kinh tế cao”. Giải pháp đã đưa ra kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu; giúp người nông dân ở địa phương nâng cao thu nhập, đưa diện tích đất trống ven đồi, gần núi được phủ xanh, phát triển kinh tế địa phương và tạo thương hiệu xoài ở địa phương cung cấp sản phẩm cho các tỉnh, thành phố trên cả nước. Sản phẩm trái xoài Úc ở địa phương được các thương lái Trung Quốc rất ưa chuộng.

Các nội dung chính của giải pháp “Cải tiến kỹ thuật trồng xoài ghép trên đất ven đồi đạt hiệu quả kinh tế cao”:

Cải tạo đất đồi: Chọn đất trồng là những nơi đất thịt pha cát, cao ráo, không bị ngập úng vào mùa mưa, không nhiễm mặn, không có các chất hóa học độc hại. Có thể dùng đất rẫy, đất đồi, đất vườn, đất canh tác cây lâu năm để trồng xoài ghép. Dọn sạch cây cối trên toàn bộ diện tích đất trồng; cày, xới đất cho tơi xốp.

Chọn cây giống (có 2 cách chọn cây giống): Cách 1, mua cây giống xoài ghép cần được chọn ở nơi ươm giống có uy tín. Cây giống xoài ghép được chọn phải cao 40 - 60 cm là tốt nhất vì cây rất sung sức, khi trồng nhanh bén rễ và tạo tán nhánh. Cách 2, tự ươm các loại xoài địa phương như xoài canh nông, xoài bom để làm gốc ghép, các giống xoài này có bộ rễ phát triển mạnh chống đổ ngã và kháng bệnh tốt, khi cây gốc ghép đạt tiêu chuẩn tiến hành ghép và hộ gia đình sẽ giảm được chi phí đầu tư ban đầu. 

Cách trồng: Mật độ trồng cây: Hàng cách hàng 6 - 7 m; cây cách cây 6 m. Hố trồng cây nên đào trước với kích thước sâu 0,6 m, rộng 0,4 m. Cây giống trước khi mua về để khoảng 10 - 15 ngày, trong quá trình này ta phun thuốc trừ nấm, bệnh trước khi đem ra trồng. 

Khi trồng trộn hỗn hợp phân chuồng hoai, phân NPK, đất trên mặt bón lót rồi đặt cây giống đã xé bỏ bầu nilon vào giữa hố, lấp đất. Chú ý cắm cây giữ cho gốc không bị lay, vì gốc dễ bị lay thì cây rất dễ chết; làm bầu nổi cho cây để dễ tưới nước; thường xuyên tưới nước trong những ngày đầu để giữ độ ẩm cho cây.

Cách chăm sóc, bón phân: Khi cây đã phát triển định kỳ 2 - 3 ngày tưới nước/lần đối với vùng đất đồi khô hạn. Định kỳ xới cỏ xung quanh và xịt thuốc trừ sâu, rầy và các loại nấm.

Khi cây đã phát triển, đối với vườn xoài nhỏ 1 - 3 năm tuổi, bón 3 tháng/lần phân NPK loại 13-13-13, mỗi lần bón 200g/cây; phân hữu cơ bón 1 năm/lần, mức bón 15 - 20 kg/cây.

Thời kỳ ra hoa, kết trái: Thời kỳ này cây rất cần dinh dưỡng và nước tưới. Bà con nông dân có thể ngâm phân NPK với nước tưới vào gốc cây 1 tháng/lần với hàm lượng tùy theo độ tuổi của cây cho đến khi thu hoạch.

Khi khí hậu, thời tiết có mưa đầu mùa và sương muối trong thời kỳ cây xoài ra hoa dễ bị cháy nhụy nên tỷ lệ đậu trái thấp. Bà con nên dùng hệ thống ống phun nước sạch bằng bơm cao áp để rửa trôi nước mưa và sương muối.

 trinh111

 

Vườn xoài ghép của nhóm tác giả

Khi đến thời kỳ thu hoạch, dùng kéo và lồng chuyên dụng cắt cuống để trái không bị hư và chảy nhựa (mủ) làm mất mỹ quan của trái xoài.

Chăm sóc sau thu hoạch: Để có thể thu hoạch vụ tới, sau khi thu hoạch xong thì tiến hành xới đất xung quanh gốc theo tán cây, bón phân chuồng quanh gốc; khoảng 15 ngày sau đồng loạt cắt tỉa, dọn cành, tạo tán cho cây.

Giải pháp của 2 anh bắt đầu áp dụng phổ biến cho nhiều nông dân trong địa phương thực hiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Giải pháp của 2 anh được nông dân địa phương đánh giá là một bước đột phá giúp nông dân giảm nghèo, làm giàu, giải quyết lao động dư thừa, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp. 

Người nông dân ở địa phương đã nắm chắc được kỹ thuật thâm canh nên sản phẩm trái xoài ghép đạt chất lượng quả tốt hơn, đẹp hơn, được thương lái ưa chuộng, ký kết mua tại vườn. Một số hộ dân địa phương đã tiến hành đầu tư trên đất rẫy với quy mô lớn phát triển kinh tế gia đình, thu nhập bình quân hàng năm tăng 1 đến 2 trăm triệu đồng, đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc; thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Do giải pháp của các anh hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể nên đa số hộ nông dân trồng xoài đã thành thạo với kỹ thuật mới. Hiện nay, trên địa bàn xã có hàng trăm hộ đã áp dụng kỹ thuật trồng xoài, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các giống xoài trồng bằng phương pháp ghép có thể trồng tại vườn nhà hay đất rẫy, đất đồi trọc, nên có thể nhân rộng diện tích trồng xoài ghép trên quy mô lớn. Diện tích trồng xoài ghép được phát triển tốt và có thể nhân ra diện rộng ở các địa phương khác.

                                                                                                 

                                                                                                  Tiến Trình