Anh Sang hướng dẫn nhân viên HTX phân loại bưởi sau thu hoạch
Anh vẫn nhớ như in về những ngày đầu chặt bỏ cây tràm, cây cao su để trồng bưởi. Hơn 10 năm trước, gia đình anh cũng như nhiều hộ dân ở Tân Mỹ vẫn trồng các loại cây công nghiệp nhưng hiệu quả không cao. Đặc biệt là từ khi cha anh bị bệnh nặng, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, ý chí làm giàu càng thôi thúc anh mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Năm 2003, bén duyên với trái bưởi, anh quyết định bỏ tiền ra mua cây giống về trồng, cả bưởi da xanh và bưởi đường lá cam. Ban đầu, trên diện tích gần 4000m2, anh trồng khoảng 120 cây bưởi. Khoảng 3 năm sau, vườn bưởi bắt đầu thu hoạch lứa trái bói đầu tiên, anh thu được 150 triệu, đây là số tiền rất lớn với người nông dân như anh lúc bấy giờ.
Niềm vui được mùa thôi thúc, anh quyết định mở rộng diện tích sản xuất. Vốn dĩ việc bỏ tràm trồng bưởi của anh đã có không ít người hoài nghi, kể cả mẹ anh, nên để có thêm đất trồng bưởi, anh lén phá vườn trồng tầm vông của mẹ. Nhưng từ thành quả thu hoạch lứa bưởi đầu tiên, mẹ cũng bắt đầu tin tưởng và ủng hộ anh. Diện tích hơn 10 ha vườn trồng của gia đình đều được chuyển sang trồng bưởi. Thời gian đầu việc cải tạo đất cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với ý chí và nghị lực mạnh mẽ, 10 ha đất sau đó đều phủ một màu xanh ngát, bưởi cho trái xum xuê.
Nhờ sự thành công từ mô hình trồng bưởi của anh Sang, nhiều hộ gia đình trong ấp cũng rủ nhau chuyển đổi cây trồng. Anh luôn tích cực động viên anh em, bạn bè, người quen trong vùng cùng làm và tận tình chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây có múi này. Anh cho biết, cây bưởi da xanh tuy dễ trồng nhưng không phải nơi nào cũng thích hợp và cho ra chất lượng tốt, cây bưởi nếu không được chăm sóc đầy đủ sẽ rất dễ suy kiệt, vì vậy phải có kiến thức canh tác, chăm sóc bưởi đúng cách mới có thể làm chủ mỗi mùa thu hoạch bưởi để đạt năng suất cao. Còn bưởi đường lá cam vốn không phải đặc sản của Tân Mỹ, tuy nhiên nhờ được hưởng lợi thế từ nguồn phù sau bồi đắp mà bưởi đường lá cam trồng ở Tân Mỹ có chất lượng không thua kém các địa phương khác.
Năm 2015, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác, Hợp tác xã Tân Mỹ đã được thành lập do anh Sang làm đại diện pháp luật. Tính đến nay HTX cây ăn quả Tân Mỹ có 22 thành viên với tổng diện tích 62ha, tổng vốn điều lệ 4 tỷ đồng. HTX đang trồng các loại bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, các loại cam và dưa lưới. Đời sống của thành viên được nâng lên rõ rệt nhờ giá bán sản phẩm chứng nhận VietGAP ổn định. Việc áp dụng các giải pháp thực hành nông nghiệp tốt, chất lượng sản phẩm được nâng cao, môi trường được cải thiện, mối quan hệ cộng đồng được gắn bó hơn. Tổng doanh thu trung bình hàng năm của HTX đạt hơn 13 tỷ đồng, giải quyết lao động tại nông thôn từ 30 người trở lên, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm chủ lực của HTX Tân Mỹ vẫn là trái bưởi. Trung bình, mỗi tháng HTX bán ra thị trường khoảng 50-60 tấn bưởi. Năm 2021, sản phẩm bưởi da xanh của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hiện tại, HTX Tân Mỹ đang nỗ lực hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn để lấy chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. Anh Sang cho biết, tại HTX Tân Mỹ, nguồn vật tư đầu vào giá thấp được phân bổ lại cho các thành viên, không thu lợi nhuận. Trong quá trình chăm sóc, thành viên nào có cách làm hay thì phổ biến ra toàn HTX để mọi người cùng nhau học hỏi. HTX có trách nhiệm thu mua và đảm bảo đầu ra ổn định cho các thành viên trong HTX, tính toán sao cho xã viên bán hàng cho HTX luôn được giá tốt hơn so với bán cho thương lái. Cũng nhờ vậy mà ngay cả trong đại dịch Covid -19 đã diễn ra, các thành viên HTX Tân Mỹ vẫn sống khỏe.
Không chỉ là giám đốc Hợp tác xã giỏi giang, năng động, anh Sang và gia đình luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội do địa phương phát động, vận động các thành viên HTX góp phần xây dựng nông thôn mới, ủng hộ lắp đặt đèn chiếu sáng năng lượng, camera an ninh với số tiền 20 triệu đồng; hằng năm, ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân xã Tân Mỹ với số tiền 4 triệu đồng.
Tiến Phát