Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, việc thực hiện đồng bộ 3 chương trình mục tiêu gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân; bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương đã từng bước thay đổi; chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao; cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hoàn thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm của tỉnh đạt trên 4%, đạt kế hoạch đề ra; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được cải thiện; các mô hình về phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch cộng đồng từng bước phát triển, góp phần hỗ trợ người dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập...
Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Cao Bằng đã giảm 20,46%, từ 42,53% xuống còn 22,07%, bình quân hằng năm giảm 4,12%, với trên 30.000 hộ thoát nghèo, hoàn thành 206% mục tiêu đề ra. Để đạt được kết quả này, tỉnh Cao Bằng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tranh thủ các nguồn lực, phát huy được vai trò tích cực, sáng tạo của địa phương, của bản thân người nghèo, khơi dậy được mối quan hệ, tình đoàn kết, thương yêu nhau trong cộng đồng dân cư để giúp nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo.
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn là hơn 6.624 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách Trung ương (NSTW) hơn 4.706 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh hơn 253 tỷ đồng. Nguồn vốn này phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng vào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 2.815 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 1.724 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 419 tỷ đồng.
Việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua đã đạt được một số kết quả nổi bật, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. GRDP bình quân đầu người là 39,84 triệu đồng, 48,2% lao động được qua đào tạo, 92% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh. Cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 37.409 hộ nghèo chiếm 28,94%, giảm 4,29% so với đầu kỳ rà soát; có 19.084 hộ cận nghèo, chiếm 14,76%.
Từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã đầu tư, hoàn thiện hơn 50 km đường giao thông liên xã, đường từ huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; trên 150 km đường liên xóm được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; thêm 2 trường và trên 20 trạm y tế được xây dựng kiên cố; thêm 1% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; hơn 1.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Các mục tiêu về giáo dục, y tế, chăm sóc phụ nữ và trẻ em đều có bước phát triển. Công tác bảo tồn, phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tiếp tục được quan tâm. Việc đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tiếp tục được thực hiện. Mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa của nhân dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt.
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Cao Bằng có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống. Hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, đặc biệt các xã vùng khó khăn được đầu tư xây dựng khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Bằng nhiều cách làm khác nhau, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững đã tác động sâu sắc đến từng người dân. Nhờ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, người dân tỉnh Cao Bằng được thụ hưởng các chính sách giảm nghèo bền vững đã từng bước thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2021-2025, Công tác giảm nghèo được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Cao Bằng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện đồng bộ công tác giảm nghèo bền vững.
Dự kiến, tỉnh cần huy động tổng nguồn lực cho chương trình giảm nghèo bền vững khoảng 3.073 tỷ đồng. Trong đó, Cao Bằng sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao để phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững. Tập trung chỉ đạo công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; có cơ chế khuyến khích tăng nguồn vốn cho các địa phương thực hiện chương trình đạt kết quả tốt, kết quả giải ngân cao; giảm nguồn vốn đối với các địa phương thực hiện đạt hiệu quả thấp. Tăng cường bố trí thêm cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp và đại diện cộng đồng về công tác giảm nghèo; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tại cơ sở; đánh giá thường xuyên, đánh giá đột xuất để đề ra các giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường hỗ trợ có điều kiện cho người dân, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Nông dân xã Đức Thông (Thạch An) thu hoạch cây thạch đen.
Hải Long