Ông Hồ Đức Diệp, thôn Kỳ Neh, xã A Ngo, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị
Thôn Kỳ Ne, xã A Ngo, huyện Đakrông có 44 hộ với 231 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 12 hộ với 58 nhân khẩu là người Vân Kiều, 32 hộ với 173 nhân khẩu là người Pa Kô. Đây là thôn đặc biệt khó khăn của xã biên giới A Ngo. Hầu hết hộ gia đình trong thôn sinh sống bằng phương thức canh tác nương rẫy, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao.
Được bầu chọn là người có uy tín của thôn Kỳ Ne từ năm 2012 đến nay, ông Diệp luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Ông luôn coi trọng việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng học hỏi để nắm vững kiến thức nhằm vận động, thuyết phục bà con nghe theo. Với ông, để bà con nghe, tin và làm theo mình thì trước hết bản thân và gia đình phải gương mẫu, tích cực, gương mẫu đi đầu. Ông luôn học hỏi kinh nghiệm sản xuất thông qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng vào thực tiễn. Trên cơ sở những kiến thức học được, ông hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, vận động nhân dân trong thôn tích cực làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, gia đình ông có 3000m2 đất sản xuất lúa nước đảm bảo đáp ứng đủ lương thực cho cả năm; 5ha rừng; 4,3ha trồngcác loại cây; 7 con bò và 5 con dê. Bên cạnh đó, gia đình ông cùng với 5 gia đình khác nhận chăm sóc, bảo vệ 20ha rừng phòng hộ. Tổng thu nhập hằng năm của gia đình hơn 130 triệu đồng.
Năm 2001, khi cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương xây dựng công trình thủy lợi và thực hiện công cuộc dồn điền đổi thửa, ông Diệp đã gương mẫu thực hiện di dời nhà ở và vận động 21 hộ gia đình khác cùng di dời để tạo mặt bằng trồng lúa nước. Nhờ đó thôn Kỳ Ne có 8,7 ha ruộng nước sản xuất 2 vụ trong năm, năng suất đạt trên 43 tạ/ha. Tiếp đó, ông xung phong trồng thí điểm cây lúa nước bằng việc sử dụng phân bón hữu cơ. Sau khi mô hình thử nghiệm đạt kết quả, các gia đình trong thôn được ông hướng dẫn cách thu gom, ủ phân và bón phân hữu cơ cho cây lúa nước. Ông còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất đúng thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch chung của địa phương, hướng dẫn các hộ nghèo vay vốn để sản xuất và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả... Người dân trong thôn cơ bản đã đảm bảo được an ninh lương thực cho cả năm, không thiếu hụt lương thực trong mùa giáp hạt.
Năm 2005, thực hiện chủ trương giao rừng của nhà nước, ông Diệp xung phong cùng 5 hộ gia đình khác thực hiện chăm sóc, bảo vệ 20 ha rừng phòng hộ. Bằng những kinh nghiệm học hỏi được qua quá trình công tác (từ 1994-2005 là cán bộ địa chính xã A Ngo), ông chủ động phối hợp với ban cán sự thôn vận động các hộ dân xây dựng quy chế, thành lập các tổ, nhóm giúp nhau phát triển sản xuất. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất như nuôi bò sinh sản, thâm canh cây lúa nước, trồng mây dưới tán rừng đã phát huy hiệu quả và giúp cho nhiều hộ gia đình ở thôn Kỳ Ne vươn lên thoát nghèo.
Với tinh thần trách nhiệm cao, ông Diệp thường xuyên phối hợp với công an viên, các ban ngành trong thôn đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giải quyết ổn thỏa nhiều vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai. Nhờ đó, trong những năm qua, thôn Kỳ Ne không xảy ra các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xã hội. Bằng kinh nghiệm của mình ông đã tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, phối hợp tốt với chính quyền để tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; cùng với lực lượng công an, quân sự, bộ đội biên phòng xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững bình yên nơi thôn bản.
Trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, ông đã cùng những người tiêu biểu trong thôn, bản, đại diện cho các dòng họ quyết tâm xây dựng quy ước, hương ước của thôn, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian được khôi phục và tổ chức trong các lễ hội; vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; loại bỏ những hủ tục lạc hậu; bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của từng dân tộc trên địa bàn.
Ghi nhận những thành tích và đóng góp trong sản xuất, vận động quần chúng, bảo vệ đường biên cột mốc biên giới, ông đã nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã tặng bằng khen. Năm 2018, ông là 1 trong 5 đại biểu đại diện cho 131 người uy tín thuộc 18 xã biên giới được mời ra Hà Nội tham dự lễ tôn vinh những người có uy tín tiêu biểu toàn quốc trong chương trình “Điểm tựa của bản làng” do Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức.
Bình Minh