Giống Ngọc Đỏ Hương Dứa được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng
Ông vốn là bộ đội Cụ Hồ, năm 2000, xuất ngũ về quê lại gắn bó với ruộng đồng, bắt tay làm nghề nông với hơn 6,5 công đất ruộng cha mẹ để lại. Quanh năm suốt tháng cơ cực trên đồng nhưng thu nhập chẳng được là bao. Ông càng thấm được nỗi nhọc nhằn của nông dân và cái nghề làm nông. Ông luôn mong muốn làm sao bà con nông dân phải đầu tư công sức ít hơn nhưng năng suất, chất lượng, giá trị phải cao hơn. Ông nhận thấy, nông dân ở Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung chủ yếu sử dụng giống IR50404 để canh tác. Ưu điểm của giống lúa này cho năng suất cao, thích nghi tốt với khí hậu nhưng phẩm chất và giá trị xuất khẩu thấp, trong khi các giống lúa mới lại chưa đáp ứng được trọn vẹn yêu cầu sản xuất của nông dân.
Ông chia sẻ, người nông dân muốn đổi đời bằng cây lúa thì phải được trang bị những kiến thức khoa học nông nghiệp, ứng dụng kỹ thuật để tạo giống lúa mới, tạo ra sự khác biệt. Sản phẩm gạo làm ra phải có sự khác biệt về chất lượng bởi sản phẩm này được nhiều nước sản xuất và cạnh tranh cao.
Nói là làm, ông xắn tay vào nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới. Là một nông dân chưa qua trường lớp đào tạo bài bản, nên ông vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa học hỏi. Năm 2006, ông Dũng tham gia lớp sản xuất giống nông hộ, tập huấn học cách trồng lúa, phòng trừ sâu bệnh ngắn hạn do Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Bằng kiến thức đã học, ông quyết định tự lai tạo giống lúa mới. Bắt đầu từ cặp lai nếp Thái - IR50404 và IR50404 - OM 6976 để chọn ra những cá thể vượt trội rồi tiếp tục nhân giống.Qua 6 vụ trồng chọn lọc, đến năm 2008, ông Dũng đã tìm được cá thể giống lúa vượt trội, đặt tên là LD2008. Tuy nhiên, sau khi đưa vào trồng trên diện tích 5.000 m2 thì kết quả không như mong muốn. Mặc dù chưa thành công nhưng ông không từ bỏ, ông luôn cố gắng tìm tòi, rút ra được nhiều kinh nghiệm, kiên trì nghiên cứu lai tạo một cách cẩn thận hơn. Đến năm 2012, giống lúa mang tên LD2012 ra đời với thời gian sinh trưởng ngắn (88 - 92 ngày), kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn rất tốt.
Đến nay, ông Dũng được biết đến là người đã lai tạo thành công 07 giống lúa đang được thị trường ưa chuộng: LD2012, Ngọc Đỏ Hương Dứa, Tím Sen, 384, Huyền Ngọc Định An, Nhũ Hồng, LD2012-1. Đặc biệt, với sự tỉ mỉ, nhạy bén của người nghiên cứu khoa học, ông Dũng phát hiện ra cá thể lúa lạ trên ruộng lúa giống LD2012 sau một lần đi thăm ruộng. Ông đã đem về nhà lưới nuôi để tiếp tục nhân giống. Hạt lúa khi nấu chín, tách ra thấy gạo màu đỏ, nấu dùng thử thấy gạo dẻo, có mùi thơm lá dứa rất đặc trưng trong khi đó các giống lúa đỏ thường rất cứng. Từ đó ông có ý tưởng nhân giống và phát triển cho đến bây giờ và đặt tên là Ngọc đỏ hương dứa. Loại lúa này có hạt dài, thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày, thân cao, có khả năng chống chịu đổ ngã tốt, kháng rầy nâu và đạo ôn rất tốt, không cần bón nhiều phân nhưng cho năng suất cao, từ 6 - 7 tấn/ha và đặc biệt là hàm lượng chất dinh dưỡng trong gạo rất cao.
Giống Ngọc Đỏ Hương Dứa được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, với giá bán 7.500/kg lúa tươi, mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân trong huyện Lấp Vò và được Công ty Hồng Tân ký hợp đồng bao tiêu 05 năm từ năm 2018. Đây được xem là giống lúa gắn liền tên tuổi nông dân Nguyễn Ông Dũng và nay đã trở thành đặc sản của huyện Lấp Vò.
Nhằm tìm hướng đi riêng thông qua việc tự lai tạo và phổ biến các giống lúa, ông Dũng đã vận động thành lập HTX Giống Nông nghiệp Định An từ một vài thành viên ban đầu, đến nay, HTX đã phát triển thành 19 thành viên, vốn điều lệ trên 250 triệu đồng và quy mô sản xuất 30ha đất do ông làm Giám đốc. Tham gia HTX, các thành viên được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 500 - 1000 đồng/kg, trong khi giá lúa giống được giảm 1.000 đồng/kg và các vật tư nông nghiệp đầu vào đều rẻ hơn giá bên ngoài, được hia sẻ, hỗ trợ tận tình bởi các kỹ thuật viên chuyên ngành.
Riêng gia đình ông Dũng hiện đang sản xuất lúa với diện tích 7,2 ha, năng suất đạt 119 tấn/năm. Để nâng cao chất lượng, giảm giá thành, chi phí sản xuất, ông Dũng còn ứng dụng thiết bị bay để phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Trong 03 năm sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lúa gạo, ông thu được lợi nhuận khoảng 02 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động và hướng dẫn, giúp đỡ 24 lao động, trong đó có 05 hộ khó khăn. Cùng với đó, ông còn hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất hàng năm cho 103 lao động, người dân. Ông Dũng còn tham gia tốt các phong trào của địa phương và công tác của Hội Nông dân, các chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng cầu, nhà tình thương cho hộ nghèo..
Cũng nhờ những thành tích tạo ra các giống lúa đặc sản, ông Dũng được phong tặng dông hiệu Nhà khoa học của nhà nông vào năm 2018 và nhận được bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ . Ông Dũng hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Phúc Nguyên